image banner
Chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi Hải Phòng
Năm 2022, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022, với nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Để triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thời gian qua, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi và cơ sở dữ liệu chăn nuôi về cơ sở chăn nuôi. Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Với người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…
1. Căn cứ thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi

1.1. Các văn bản của Trung ương

- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng, và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023”.

- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

- Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

- Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển  chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (bao gồm các nền tảng số liên quan cho phát triển chăn nuôi: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử).

- Thông tư số 20/2019/TT-BNNPTNT ngày 22/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

- Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025.

- Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số trong Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.2. Các văn bản của thành phố Hải Phòng

- Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025.

- Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 04/11/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về chủ trương đầu thư dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 284/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 9/3/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 12/01/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2023…

2. Một số kết quả thực hiện Chuyển đổi số trong chăn nuôi

2.1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong chăn nuôi

Hiện nay, toàn thành phố hiện có 1.084 trang trại chăn nuôi, trong đó: 170 trang trại lợn (11 trang trại quy mô lớn; 73 trang trại quy mô vừa; 86 trang trại quy mô nhỏ), 914 trang trại gia cầm (206 trang trại quy mô vừa; 708 trang trại quy mô nhỏ), chiếm 51,82% tổng đàn lợn và 51,14% tổng đàn gia cầm; có 36.917 hộ chăn nuôi (trong đó 6.594 hộ chăn nuôi lợn).

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 06 cơ sở giết mổ tập trung và nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ về chăn nuôi thú y.

 Việc hình thành cơ sở dữ liệu về chăn nuôi và thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi đã triển khai bước đầu.

2.2. Kết quả triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi

a) Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi.

Đến nay, phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước; đã cấp 600 tài khoản để cập nhật cơ sở dữ liệu đến các nhà máy, cán bộ chăn nuôi thú y cấp xã và các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn…

Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đã tích cực tham gia cập nhật dữ liệu theo yêu cầu. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Với người chăn nuôi sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường đầu ra, thông tin về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giá bán, dịch vụ cung ứng vật tư, thông tin về dịch bệnh để đưa ra quyết định phù hợp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart…

b) Thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 04/11/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về chủ trương đầu thư dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chăn nuôi gồm: xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở của thành phố, các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (Ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS và trí tuệ nhân tạo phục vụ quản lý không gian thành phố…)

c) Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nền tảng số, dữ liệu số có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi: Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu nông sản thành phố Hải Phòng; Số hóa hồ sơ tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng.

2.3. Về Chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi

a) Thực hiện Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Đến nay, đã hỗ trợ được 09 cơ sở chăn nuôi thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản xuất theo VietGAP.

b) Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, đã có 36 sản phẩm chăn nuôi được đánh giá, phân hạng: 7 sản phẩm 4 sao, 29 sản phẩm 3 sao (gồm các sản phẩm gà, vịt, ngan tươi; mật ong, trứng gà, giò, chả, nem). Các sản phẩm được bao gói, gắn nhãn, truy xuất nguồn gốc, đủ điều kiện tham gia các sàn thương mại điện tử.

c) Trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp quan tâm như: sử dụng phần mềm để quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng hệ thống cảm biến điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, máng ăn tự động, máng uống tự động; sử dụng dây chuyền giết mổ công nghiệp; quản lý, theo dõi sản xuất, bán hàng trên máy tính....

Thực Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 15/9/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng: Đã kết nối, giới thiệu đưa trên 270 mã sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử: Vỏ sò, Postmart, Shopee, Ladaza… Trên 100 sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã QR thông qua các hệ thống: traceverified.com, agricheck.net, icheck.com.vn, trace.icheck.vn, smartcheck.vn… Đối tượng tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu như đưa hàng vào siêu thị, xuất khẩu...

Điển hình trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi là Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ, Công ty đã thực hiện ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các khâu sản xuất, kinh doanh của Công ty nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí sản xuất, góp phần gia tăng lợi nhuận và phát triển phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội. Trong công tác quản lý, chuyên môn công ty đã sử dụng phần mềm kế toán được viết riêng cho các hoạt động kế toán để phù hợp với đặc thù công việc. Sử dụng các ứng dụng Zoom, Google Meet để tổ chức các cuộc họp trực tuyến giữa các bộ phận. Việc sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến này rất hiệu quả, nhất là đối với các bộ phận như marketing, thị trường, bán hàng có đội ngũ nhân viên phân bố ở các tỉnh trên cả nước. Trong sản xuất đã ứng dụng các khoa học kỹ thuật hiện đại như: sử dụng công nghệ ấp tự động đa kỳ để ấp nở con giống gia cầm; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín; chủng vaccine cho gà 01 ngày tuổi bằng máy tiêm đếm tự động với công nghệ vaccine phòng 4 bệnh, 5 bệnh hoặc 6 bệnh trên gà giống 01 ngày tuổi. Đối với hoạt động giết mổ gia cầm, công ty đã sử dụng dây chuyền giết mổ tự động với công suất 1.000 con/giờ. Bên cạnh đó, công ty đã sử dụng không gian mạng để quảng bá sản phẩm, kết nối trực tiếp với khách hàng qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, kết nối trực tiếp với khách hàng để tương tác, trao đổi thông tin.

Thực tế việc thực hiện ứng dụng công nghệ số và khoa học kỹ thuật hiện đại vào các khâu trong quá trình sản xuất tại các cơ sở sản xuất chăn nuôi trong thời gian qua cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp gia tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn sinh học…Đặc biệt đây là giải pháp hữu hiệu giải quyết khâu kết nối giữa nhà sản xuất và khách hàng; Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp chăn nuôi thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế; số lượng cơ sở tiếp nhận, ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất chưa cao; đặc biệt trong khâu quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

3.1. Phương hướng nhiệm vụ

a) Chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, giết mổ động vật; xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong chăn nuôi; theo dõi diễn biến tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giết mổ và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; số hóa các quy trình, nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu, dịch vụ số hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

b) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các khâu của quy trình sản xuất chăn nuôi, giết mổ động vật; xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong sản xuất (trang trại thông minh, cơ sở giết mổ thông minh) thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa (IoT, blockchain, điện toán đám mây), thiết bị cảm biến, máy và thiết bị tự động hóa, phần mềm quản lý trong chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi, thu hoạch sản phẩm và giết mổ động vật.

3.2. Các nhiệm vụ trọng tâm

a) Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất: Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố; Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 9/3/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số có liên quan theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 04/11/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố; Quyết định số 284/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố; trong đó, trọng tâm là: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở của thành phố, các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (Ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS và trí tuệ nhân tạo phục vụ quản lý không gian thành phố…); hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi, các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…), tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành và thành phố.

c) Xây dựng, nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi

Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0… xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số toàn diện, mô hình tự động hóa trong nông nghiệp (mô hình: trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, cửa hàng nông sản...).

Truy xuất nguồn gốc và kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản trên hệ thống cơ sở dữ liệu: Tạo lập không gian mạng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuyển đổi số; thu hút, liên kết các nền tảng số liên quan hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần xây dựng xã hội số; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn giao dịch điện tử để trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.

d) Rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

đ) Tiếp tục khai thác, vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu theo phân cấp, các nền tảng số quốc gia và thành phố; thực hiện các nhiệm vụ khác theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố.

Tin bài Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 110
  • Trong tháng: 36 286
  • Tất cả: 119578