Thông tin, tuyên truyền nâng cao năng lực nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai cho cộng đồng phải đi trước, phải đến được với tất cả mọi người; góp phần từng bước hình thành “văn hóa phòng ngừa”, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của cộng đồng trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Ngày 06/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai.
Việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai đóng vai trò rất quan trọng, là nhiệm chiến lược, là một trong những hành động sớm góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; cung cấp kiến thức, kỹ năng, tăng cường tính chủ động của người dân và hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó của chính quyền; góp phần huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.
Trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai được thành phố và các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa rủi ro thiên tai ngày càng được tăng cường, ngày càng được nâng cao; đã có sự quan tâm, hiểu biết căn bản về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc hiểu đúng, vận dụng kiến thức để có hành động phù hợp để ứng phó còn hạn chế. Để tăng cường hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong thời gian tới cần chú trọng các nội dung sau:
Đảm bảo các yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông tới cộng đồng; cụ thể: Thông tin tuyên truyền nhanh chóng, chính xác kịp thời, tới mọi đối tượng trong cộng đồng; nội dung ngắn gọn, dễ hiểu; hình thức, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn; thực hiện thường xuyên, liên tục và phù hợp với từng nhóm đối tượng; đảm bảo dân hiểu, dân biết, dân làm.
Phương thức thông tin, tuyên truyền, truyền thông áp dụng cả 02 phương thức trực tiếp và gián tiếp: (1) Phương thức trực tiếp: hội nghị; hội thảo; tập huấn; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi sáng tác thơ, ca dân ca, …; tổ chức các sự kiện hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai, Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Ngày truyền thống Phòng, chống thiên tai; tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng; sinh hoạt chi bộ; buổi tuyên truyền quán triệt chính sách pháp luật; (2) Phương thức gián tiếp: phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, báo in, báo điện tử,…); sổ tay; tranh ảnh; băng zôn; khẩu hiệu; đăc biệt chú trọng phương thức qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok; ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (App); tin nhắn SMS; tin nhắn Zalo và hệ thống loa xã, phường.
Nhiệm vụ của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã và lực lượng xung kích:
(1) Trước thiên tai:
BCH cấp huyện chỉ đạo kiểm tra, sửa chữa hoặc mua sắm bổ sung các trang thiết bị thông tin truyền thông; chỉ đạo biên tập, tổ chức tuyên truyền kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thiên tai trên địa bàn; ký hợp đồng truyền thông.
BCH cấp xã rà soát, kiểm đếm, đánh giá các trang thiết bị đường truyền phục vụ thông tin tuyên truyền tại cơ sở; cung cấp số điện thoại, cách thức liên lạc tiếp nhận và phản hồi thông tin từ người dân. Tổ chức biên tập bản tin (gồm cả mẫu tin ứng phó thiên tai) tuyên truyền định kì trên hệ thống phát thanh xã; tổ chức tuyên truyền giáo dục về phòng chống thiên tai trong ngày lễ lớn, hội nghị, cuộc họp liên quan tại cấp xã; tập huấn và giao một số nhiệm vụ cho lực lượng xung kích.
Lực lượng xung kích tham gia tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống thiên tai (lưu ý các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật); hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu và kỹ năng phòng tránh các loại hình thiên tai trên địa bàn.
(2) Trong thiên tai:
BCH cấp huyện cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo, tình huống/sự cố thiên tai tới các thành viên BCH, lãnh đạo cấp xã để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, điều hành; chỉ đạo biên tập thông tin, tài liệu truyền thông ứng phó; gửi và chỉ đạo Đài phát thanh để tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng; chỉ đạo BCH cấp xã tăng cường tuyên truyền thông trên hệ thống thông tin truyền thanh cơ sở.
BCH cấp xã tổ chức biên tập bản tin ứng phó thiên tai; tổ chức đọc, phát trên hệ thống thông tin xã; các nơi tập trung đông người; sử dụng lực lượng xung kích phối hợp tuyên truyền lưu động; tổ chức theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận thông tin của người dân.
Lực lượng xung kích thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và chỉ đạo của BCH cấp xã đến tổ chức, hộ gia đình, đặc biệt là nơi có nguy cơ cao bằng mọi hình thức; cung cấp cho người dân số điện thoại cần thiết của đơn vị, cá nhân cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.
(3) Sau thiên tai:
BCH cấp huyện chỉ đạo tổ chức thông tin, truyền thông về công tác khắc phục hậu quả; rà soát kiểm tra hệ thống, trang thiết bị thông tin truyền thông sau thiên tai đảm bảo tiếp nhận tới cộng đồng.
BCH cấp xã tổ chức biên tập, cung cấp về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả; kiểm tra sự tiếp cận thông tin của người dân; tổ chức rà soát kiểm tra hệ thống, trang thiết bị thông tin truyền thông, sẵn sàng sử dụng cho các đợt thiên tai tiếp theo.
Lực lượng xung kích thu thập thông tin đánh giá thiệt hại và các nhu cầu, phương án cứu trợ sau thiên tai nếu có; thông tin tới người dân về giải pháp khắc phục thiệt hại sau thiên tai: cách xử lý vệ sinh môi trường, sức khỏe sau thiên tai; an toàn sau thiên tai (đề phòng điện giật, gãy đổ nhà cửa,…); đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn sau thiên tai.
Hướng dẫn cộng đồng chủ động khai thác thông tin từ các hệ thống các kênh chính thức về phòng, chống thiên tai; gồm:
http://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Truyen-Thong.aspx
https://www.facebook.com/phongchongthientaivn

https://www.youtube.com/c/ThôngtinPhòngchốngthiêntai
APP “PCTT” (tải APP trên thiết bị điện thoại thông minh)
APP hướng dẫn các kiến thức phòng, chống thiên tai đối với 11 loại hình thiên tai thường gặp; đối với mỗi loại hình sẽ có các mục: Người dân phải làm gì? Chính quyền phải làm gì? Những điều nên làm? Những điều không nên làm?
Tin, bài: Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai