HÃY NÓI KHÔNG VỚI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ; KHÔNG SĂN BẮT, BẪY, MUA BÁN, VẬN CHUYỂN, QUẢNG CÁO, GIẾT, NUÔI NHỐT, SỬ DỤNG ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ CHIM DI CƯ ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE CỦA NHÂN DÂN, GÓP PHẦN ĐẨY LÙI, CHIẾN THẮNG DỊCH BỆNH COVID-19
Quần đảo Cát Bà gồm 388 hòn đảo, tổng diện tích là 33.670 ha, trong đó có 13.478 ha đất tự nhiên và 20.192 ha mặt biển.
Năm 2004 quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới bởi tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như: Voọc Cát Bà loài linh trưởng đặc hữu duy nhất chỉ có tại Cát Bà; Sơn dương, Mèo rừng, Hổ mang chúa, Rái cá và các loài chim quý hiếm. Điều đó khẳng định vị thế, tầm quan trọng của quần đảo Cát Bà và giá trị đa dạng sinh học mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
Trong những năm qua UBND thành phố Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng, biển gắn với phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững có hiệu quả.
Theo lịch trình di chuyển của các loài chim di cư trên đường đi tránh rét, cứ từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm huyện Cát Hải là những điểm dừng chân trú ngụ của rất nhiều loài chim di cư như Cuốc, Le le, Gà đồng, chim Ngói... Lợi dụng điều này, hằng năm vào mùa chim di cư người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lét lút dùng mọi phương thức với các loại dụng cụ như: Lưới, bẫy, đèn, loa phát âm thanh, súng… để săn bắt, bẫy chim di cư. Đây là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể như sau: .
Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định cấm săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.
Tại Điều 16 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi mang dụng cụ thô sơ vào rừng để bẫy bắt động vật rừng tại khu vực rừng có quy định cấm săn bắt động vật rừng;
Tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định phạt tiền từ 5000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật.
Tại Điều 22 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định phạt tiền từ 5000.000 đồng đến 360.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật.
Tại Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định phạt tiền từ 5000.000 đồng đến 360.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến động vật hoang dã trái pháp luật.
Tại Điều 234 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm đối với hành vi săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép.
Tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, bẫy động vật hoang dã và chim di cư trái pháp luật, hằng năm UBND huyện Cát Hải cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ các loài ĐVHD và chim di cư trên địa bàn huyện Cát Hải như: Ngày 18 tháng 8 năm 2021 UBND huyện Cát Hải đã ban hành Thông báo số 479/TB-UBND về việc quản lý bảo vệ các loài động vật hoang dã và chim di cư trên địa bàn huyện Cát Hải năm 2021.
Các loài động vật hoang dã, nhất là các loài chim là mầm mống, tiềm ẩn mang dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây lan sang người; đặc biệt là hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và lây lan từ người sang người, từ động vật sang người. Trên thực tế, lịch trình di chuyển của các loài chim di cư đi tránh rét chúng xuất phát từ các nước Trung Quốc, Indonesia, Philipines bay qua biển đông đến Việt Nam. Vì vậy việc săn bắt, bẫy, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã và chim di cư vừa là vi phạm pháp luật và vừa có khả năng sẽ làm lây lan dịch bệnh sang người, nhất là dịch Covid-19.
Để góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn loài và tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá trên quần đảo Cát Bà, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình để góp phần bảo tồn các loài động vật hoang dã và chim di cư với thông điệp: “Hãy nói không với động vật hoang dã; không săn bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã và chim di cư để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh Covid -19”.
Tác giả: Nguyễn Quang Dự - Phó Hạt trưởng
Hạt Kiểm lâm khu vực Cát Hải, Bạch Long Vĩ