image banner
73 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HẢI PHÒNG
Trong chặng đường 73 năm kiến thiết, xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự hỗ trợ giúp đỡ của các các cơ quan trung ương, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong thành phố

73 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HẢI PHÒNG

Cách đây 73 năm, ngày 14/11/1945 - chỉ 2 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông và giao nhiệm vụ chăm lo, chỉ đạo phát triển nông - lâm nghiệp nước nhà.

Ngày 18/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg, lấy ngày 14 tháng 11 hằng năm là ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tại Hải Phòng, ngay sau ngày Giải phóng (13 tháng 5 năm 1955) tỉnh Kiến An (cũ) và thành phố Hải Phòng đã thành lập phòng Nông nghiệp trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố.

Đầu năm 1956 Ty Nông lâm Kiến An (cũ) và Sở Nông lâm Hải Phòng được thành lập. Tháng 10 năm 1962, tỉnh Kiến An hợp nhất với thành phố Hải Phòng, Ty Nông lâm Kiến An cũng được hợp nhất với Sở Nông lâm Hải Phòng thành Sở Nông lâm Hải Phòng.

Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng cả nước, tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ: thời kỳ 1963 - 1967 là Uỷ ban Nông nghiệp Hải Phòng, 1967 - 1970 là Ty Nông nghiệp, 1970 - 1971 là Sở Nông nghiệp, 1971 - 1977 là Uỷ ban Nông nghiệp, 1977 - 1983 là Sở Nông nghiệp, 1983 - 1996 là Sở Nông lâm nghiệp.

Ngày 11/10/1996 Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định số 2383/QĐ-TTCQ thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất Sở Thuỷ lợi với Sở Nông lâm nghiệp. Ngày 04/4/2008 Uỷ ban nhân dân thành phố có Quyết định số 543/QĐ-UBND hợp nhất Sở Thuỷ sản với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng.

Trong chặng đường 73 năm kiến thiết, xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự hỗ trợ giúp đỡ của các các cơ quan trung ương, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong thành phố; đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và nông dân, ngư dân trên địa bàn thành phố, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thắng lợi toàn diện, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ thành phố.

Sau khi tiếp quản thành phố chưa đầy 5 tháng, trận bão lớn tháng 9/1955 đổ bộ vào Hải Phòng - Kiến An gây thiệt hại nghiêm trọng: hàng chục km đê biển bị vỡ, trên 3 vạn mẫu lúa bị ngập mặn không được thu hoạch, gần 500 người chết, hàng ngàn gia đình bị nước cuốn trôi nhà cửa.

Trong hoàn cảnh ấy, ngành đã tham mưu cho thành phố chỉ đạo tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, trong đó khôi phục và phát triển nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; thành phố chỉ đạo các địa phương làm thuỷ lợi, thau chua, rửa mặn, khai hoang phục hoá, cải tiến nông cụ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Tiến hành cải cách ruộng đất, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp; đến năm 1960 cơ bản hoàn thành việc đưa nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp.

Nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư phục vụ sản xuất như: mương An-Kim-Hải dài trên 20km, cống Rỗ (Tiên Lãng), cống Cầu Thượng (An Lão), cống Cái Tắt (An Dương)… Xây dựng các trạm giống cây trồng, gia súc, giống thuỷ sản và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Sau 10 năm khôi phục và phát triển, nông nghiệp Hải Phòng đã có bước phát triển đáng kể: năng suất lúa từ 18,7 tạ/ha năm 1955 đã vượt lên đạt 39,3 tạ/ha năm 1965. Mức lương thực huy động cho nhà nước đạt 39 nghìn tấn (tăng 20 lần so với năm 1955). Đời sống vật chất, văn hoá ở nông thôn đã bước đầu được cải thiện.

Từ năm 1965 đến năm 1975 là giai đoạn nhân dân Hải Phòng cùng với nhân dân Miền Bắc thực hiện song song hai nhiệm vụ chiến lược, vừa kiến thiết xây dựng đất nước; chi viện cho đồng bào Miền Nam, vừa đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.  Trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Hải Phòng là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ; song những người nông dân chân chất thật thà, kiên trung, anh dũng của Thành phố Cảng vẫn chắc tay súng, vững tay cày; vừa chiến đấu, vừa sản xuất; các công trình thuỷ lợi đầu mối, các nông trường, trạm trại quốc doanh phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mọc lên…

Sau khi đất nước thống nhất, giai đoạn 1976 - 1980 nông nghiệp của cả nước nói chung và của Hải Phòng nói riêng lâm vào tình trạng trì trệ do hậu quả của quá trình kéo dài cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, đời sống của đại bộ phận nông dân gặp nhiều khó khăn.

Tháng 6/1980 trên cơ sở nghiên cứu và tổng kết thực tiễn (về khoán ruộng tại Đoàn Xá, Kiến Thụy) Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TU; tháng 01/1981,  Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW; ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị có Nghị quyết số 10-BCT về cải tiến quản lý trong nông nghiệp; thực hiện “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” đã tạo ra  động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.

Do được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp Hải Phòng đã giành được kết quả rất đáng phấn khởi. Năm 1981 năng suất lúa đã vượt qua “cửa ải 5 tấn”; năm 1983 năng suất lúa đạt 63,3 tạ/hạ; sản lương lương thực đạt gần 30 vạn tấn. Mức lương thực Nhà nước huy động đạt trên 10 vạn tấn, tăng  3 ÷ 4 lần so với những năm trước.

Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, được sự quan tâm đầu tư đúng hướng, sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng giai đoạn 1988 - 1998 đã có sự tiến bộ vượt bậc; năng suất lúa bình quân chung toàn thành phố đạt 62 ÷ 65 tạ/ha những năm cuối thập kỷ 80, đã đạt trên 83 tạ/ha (1993 - 1994).

Sau 10 năm thực hiện đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp thực hiện Nghị quyết số 10-BCT của Bộ Chính trị; ngày 08/4/1999 Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng ra Nghị quyết số 15-NQ/TU “về một số vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn”, hướng: tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Sau 3 năm thực hiện, ngày 28/10/2002 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XII ra Nghị quyết số 11-NQ/TU về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010.

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Thành uỷ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện tạo ra bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất ngày càng gia tăng.

Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2017 đạt trên 14.380 tỷ đồng, tăng gấp 1,33 lần so với năm 2008. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008 – 2017 là 3,53%/năm. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa; đưa các giống cây trồng, con vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, gắn với chuyển dịch cơ cấu mùa vụ. Tỷ lệ làm đất bằng máy đạt 100%; tỷ lệ xay xát và lúa ra hạt đạt 100%; 64% diện tích gieo trồng co hệ thống tưới tiêu chủ động. Đã tham mưu cho thành phố quy hoạch 3 khu và 42 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là: 5.870 ha. Tập trung phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao; đến hết năm 2017, toàn thành phố có 20.340 ha vùng sản xuất tập trung, tăng gần 3 lần so với năm 2008.

Chăn nuôi, thủy sản phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại, tăng cường thâm canh tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Toàn thành phố hiện có 642 trang trại chăn nuôi; sản lượng thịt hơi tăng 3,48%/ năm; trứng gia cầm tăng 8,05%/năm.  Sản xuất thủy sản liên tục có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào giá trị tăng trưởng chung của toàn ngành; giá trị tăng trưởng đạt 6,44%/năm. Sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 141,372 tấn. Toàn thành phố có 340 tàu khai thác thủy sản có công suất trên 250 CV, tăng 330 chiếc so với năm 2008.

Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được toàn ngành tích cực triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả phấn khởi.  Đến nay, các xã bình quân đạt 17,5 tiêu chí, tăng 11,74 tiêu chí so với năm 2011; tổng số xã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới đạt 93 xã, bằng 66,91% tổng số xã tham gia, trong đó có 70 xã được công nhận đạt chuẩn.

Kết cấu, hạ tầng, diện mạo nông nghiệp, nông thôn được đầu tư, cải thiện. Toàn thành phố có 6 cảng cá, 10 bến cá và 12 khu tránh trú bão cho tàu cá. Quy mô và kết cấu hệ thuống đê kè đảm bảo chống chịu được bão cấp 9, cấp 10. Có trên 726 km kênh tưới cấp 1; cải tạo và nâng cấp 191 trạm bơm điện. 100% số xã trên địa bàn thành phố có điện lưới quốc gia. 100% các tuyến đường liên huyện được rải nhựa đạt tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng. Sau 5 năm triển khai chương trình hỗ trợ xi măng làm được giao thông nông thôn, ngành đã tham mưu cho thành phố hỗ trợ các địa phương 490.633 tấn xi măng, thực hiện được 3.324 km đường giao thông nông thôn các loại; đến nay, 90% tuyến đường liên xã được rải nhựa, 100% tuyến đường trong các thôn, xóm được bê tông hóa. Tỷ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó nước sinh hoạt đạt QCVN02 của Bộ Y tế trở lên là 90,1%.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao; năm 2017, đạt 43, 3 triệu đồng/năm, tăng 2,26 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,06 %. Có 1004 làng đạt danh hiệu làng văn hóa, đạt 86, 03%; trên 85% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây trong điều kiện sản xuất nông nghiệp có nhiều khó khăn, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, môi trường ô nhiễm; tổ chức bộ máy của Ngành Nông nghiệp và Phát riển nông thôn có sự biến động. Song tập thể lãnh đạo Sở, cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn Ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng đổi mới công tác quản lý, tích cực thực hiện cải cách hành chính; thực hiện phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, công chức, viên chức, lao động.

Chủ động tham mưu cho Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành nhiều các nghị quyết, cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đóng góp vào thành tích chung tiêu biểu đó, chúng ta không thể quên sự cống hiến và đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo sở qua các thời kỳ; các tập thể và cá nhân tiêu biểu như: Anh hùng lao động Lương Thị Mái, Anh hùng lao động Nguyễn Văn Hợi; Tập thể Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - Công ty cổ phần Dịch vụ chế biến thuỷ sản Cát Hải, cùng nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu đã được Đảng và nhà nước, thành phố tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác vì những thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất.

Đặc biệt, để ghi nhận những cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, năm 2009, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2014, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng.

Một số hình ảnh



 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0