Thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, chuyển đổi số được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nông nghiệp, nông thôn cũng không đứng ngoài cuộc, chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững.
Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, người nông dân đã triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp khoa học, công nghệ, đặc biệt ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số trong hầu hết các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai…
Trong quản lý hành chính nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã triển khai, áp dụng hiệu quả các ứng dụng: Hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử; hệ thống Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cổng/trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị trực thuộc Sở; cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từng bước được đẩy mạnh; phần mềm kế toán, bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số văn bản, ký số lãnh đạo, ký số kho bạc; thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Trong sản xuất nông nghiệp, đã dần dần chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại trong quản lý và sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng: Áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, ứng dụng công nghệ chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED trong trồng trọt đã góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng; ứng dụng hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến VAHIS, hệ thống điều tiết tiểu khí hậu chuồng nuôi, máng ăn tự động trong chăn nuôi và thú y; hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển; hệ thống quạt nước sục khí tự động, nuôi thủy sản trong nhà bạt, nuôi qua đông ứng dụng công nghệ số để quản lý môi trường ao nuôi. Công tác quản lý và bảo vệ rừng được tăng cường thông qua việc ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám và phần mềm cập nhật diễn biến rừng, phần mềm giám sát, đánh giá thống kê lâm nghiệp.
Trong lĩnh vực thủy lợi và quản lý đê điều: xây dựng bộ bản đồ số và cơ sở dữ liệu thông tin địa lý các công trình đê điều và công trình phụ trợ đê điều, công trình kè, công trình nước sạch nông thôn, các điểm xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, các vùng úng trọng điểm. Trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: hệ thống giám sát thiên tai, hệ thống hỗ trợ chỉ huy điều hành phòng chống thiên tai, hệ thống quản lý tàu thuyền Vishipel, trạm đo mực nước tự động.
Nét nổi bật, sản phẩm nông nghiệp thành phố không những được cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng mà ngày càng có nhiều sản phẩm đã liên kết với doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ trong các siêu thị, chiếm lĩnh thị phần lớn ở thị trường thành phố, trong nước và tham gia xuất khẩu. Đến nay, đã có trên 60 sản phẩm được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, hàng trăm sản phẩm được gắn nhãn hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm được sơ chế, bao gói, có chứng nhận sản xuất an toàn ngày càng tăng; xuất hiện nhiều hình thức tiêu thụ sản phẩm mới thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội...
Thông qua các hoạt động chuyển đổi số, bước đầu, các cơ quan, đơn vị trong ngành và người nông dân Hải Phòng đã có những nhận thức rõ về hiệu quả mang lại của việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Công tác quản lý nhà nước, hoạt động cải cách hành chính đã được cải thiện rõ rệt, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và cung ứng nhanh các dịch vụ trong nông nghiệp. Bước đầu có những chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, giúp tăng năng suất lao động, kiểm soát tốt môi trường sản xuất, an toàn dịch bệnh, chất lượng thực phẩm được cải thiện, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp một cách toàn diện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chuyển đổi số là vấn đề mới, nhận thức của các cấp, các ngành và bà con nông, ngư dân mới đang dần hình thành; sản xuất nông nghiệp cơ bản vẫn nhỏ lẻ, manh mún; mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mới phát triển ở bước đầu; còn tình trạng “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”; chi phí đầu tư cho nông nghiệp thông minh và công nghệ cao lớn hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư, trong khi cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi số còn thiếu; hạ tầng nền tảng hỗ trợ cho chuyển đổi số còn mức độ… Do đó, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, chủ động và có trọng tâm, trong điểm.
Xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố và đô thị hoá nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt người đứng đầu cơ quan, đơn vị; công chức, viên chức, người lao động trong ngành; tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp để có quyết tâm chính trị, chủ động thay đổi tư duy nhận thức về tính tất yếu của chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn tới.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp bền vững, với cơ cấu hợp lý, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng quy mô sản xuất tập trung áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần bảo đảm lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu.
Ba là, xây dựng hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực của ngành (cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, khí hậu, tình hình sản xuất, thị trường, khoa học công nghệ, chính sách, pháp luật) để phục vụ người dân và doanh nghiệp; tập trung việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện cải cách hành chính. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ số vào phát triển các lĩnh vực trong nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử…
Bốn là, tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương và nghiên cứu, đề xuất thành phố cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành cho cán bộ ngành nông nghiệp, cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…
Năm là, chủ động kết nối, hợp tác, chia sẻ, cung cấp thông tin với các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường hợp tác với các Viện, Trường đại học để có sự hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao các đối tượng sản xuất mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong nông nghiệp./.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH