“Hoạt động Khai thác và nuôi trồng thủy sản có ảnh hưởng đến môi trường biển - Thực trạng và giải pháp”
Hải Phòng là thành phố ven biển, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía bắc và cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển cũng như trong an ninh quốc phòng của quốc gia với diện tích 1.520 km2, có bờ biển dài trên 125 km, diện tích khoảng 4.000 km2 mặt biển, với trên 350 hòn đảo lớn nhỏ, 5 cửa sông lớn đổ ra biển; có 15 quận huyện trong đó 7 quận, huyện biên giới ven biển, đảo (bao gồm 02 huyện đảo: Cát Hải và Bạch Long Vĩ).
Những năm gần đây, hoạt động phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị diễn ra mạnh mẽ nhờ vào vị thế của thành phố. Trong đó, phát triển về công nghiệp; phát triển về cảng biển, giao thông vận tải biển; hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển…đã đóng góp lớn vào sự phát triển chung của thành phố nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với môi trường biển. Các chất ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền đổ ra biển của khu vực chiếm phần lớn tổng thải lượng chất ô nhiễm. Còn lại là các nguồn từ biển do các hoạt động trực tiếp trên biển như khai thác và nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền vận tải, hoạt động của khách du lịch …
Trong nuôi trồng thủy sản, việc người dân cũng như doanh nghiệp còn chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường mà chỉ chú tâm cho phát triển kinh tế, không nhận ra hệ lụy cho môi trường là do ý thức của mình gây ra, đó là việc tuân thủ thực hiện xây dựng, vận hành sử dụng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường không đảm bảo. Theo đó, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh để xử lý bệnh cho tôm, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Cho nên việc xử lý môi trường từ hệ lụy của quá trình hoạt động cũng là một vấn đề cần giải quyết dứt điểm trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong khai thác thủy sản, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có tổng số 847 tàu cá đang còn hoạt động và đã được đăng ký trên hệ thống VNFishbase, gồm: Tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m -< 12m: 306 tàu; 12m -< 15m: 213 tàu; trên 15m: 328 tàu. Phân theo nhóm nghề khai thác: lưới kéo: 188 tàu, lưới rê: 246 tàu, câu: 12 tàu, lưới chụp: 177 tàu, hậu cần: 103 tàu, nghề khác: 121 tàu. Số lao động tham gia khai thác khoảng 4.848 người. Những năm gần đây sản lượng khai thác ước đạt đạt trên 100.000 tấn/năm, lũy kế 09 tháng năm 2023 ước đạt 91.706 tấn. Một số hoạt động khai thác thủy sản gây ô nhiễm môi trường biển: ngư dân thả rác thải sinh hoạt, các ngư lưới cụ hỏng trực tiếp xuống biển; số lượng tàu thuyền gắn máy có công suất nhỏ, cũ đã qua sử dụng làm gia tăng lượng dầu thải của máy móc, xả trực tiếp xuống biển, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển do dầu có xu hướng phức tạp.
Từ những nguyên nhân trên để giảm tác hại xấu ảnh hưởng đến môi trường biển, Chi cục Thủy sản đã thực hiện và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, ngày 18/11/2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3876/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; trong đó bố trí tổng số 117 bè nuôi cá biển/1.872 ô lồng (3x4m), sản lượng đạt 700 tấn/năm và 42 giàn nuôi nhuyễn thể (600m2/giàn), sản lượng đạt 500 tấn/năm. Hoạt động sắp xếp, bố trí lồng bè, giàn bè nuôi nhuyễn thể trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu sản xuất để bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững gắn với bảo vệ di sản.
Hai là, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 4181/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 phê duyệt vị trí, ranh giới, diện tích khu vực nuôi trồng thủy sản (nuôi nhuyễn thể) tại địa bàn huyện Tiên Lãng đến năm 2030; diện tích khoảng 1.900 ha; năng suất nuôi ngao 20 - 40 tấn/ha. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát nhu cầu đăng ký của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi nhuyễn thể để sắp xếp vào các khu vực, vị trí đã được phê duyệt.
Ba là, công tác quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản năm 2023 cung cấp 10 bản tin thông báo diễn biến môi trường vùng nuôi và đưa ra những cảnh báo, đề xuất kỹ thuật giúp các địa phương chỉ đạo sản xuất và quản lý nuôi trồng thủy sản hiệu quả, giúp người nuôi chủ động trong việc quản lý chất lượng nước trong ao nuôi, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, góp phần đảm bảo sự phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Bốn là, tham mưu cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các Quyết định số 2294/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Kế hoạch 164/KH-UBND ngày 26/5/2023 về thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 12/01/2023 về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Năm là, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu trên địa bàn thành phố Hải Phòng hàng năm; Xây dựng và tổ chức thực hiện Chính sách hỗ trợ ngư dân về mua thiết bị (Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 22/12/2020), quản lý tàu thuyền theo hạn ngạch khai thác để từng bước quản lý nghề cá có trách nhiệm; thành lập mới Khu bảo tồn biển Cát Bà, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ…
Mặt khác, những rủi ro đối với hệ sinh thái và con người do các chất ô nhiễm trong môi trường biển là hiện hữu, đòi hỏi phải có những nỗ lực trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo tồn các giá trị tự nhiên và đảm bảo phát triển bền vững của khu vực biển Hải Phòng. Việc nghiên cứu đánh giá lượng rác thải trên biển Việt Nam nói chung, biển Hải Phòng nói riêng cần được nghiên cứu để có những giải pháp phòng ngừa, ứng phó ô nhiễm môi trường biển do khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển gây ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Hơn nữa, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của cá nhân, cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, quy hoạch các khu vực nuôi trên biển nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong nuôi trồng thủy sản; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường biển và ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân trong công tác bảo vệ môi trường./.
Đào Thị Thúy Hòa - Chuyên viên phòng Khai thác Thủy sản - Chi cục Thủy sản