Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Chia sẻ dữ liệu – Dẫn lối tương lai
Ngày 14-15/01/2025 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Chia sẻ dữ liệu – Dẫn lối tương lai

Ảnh: TS. Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trong chương trình giám sát kháng kháng sinh (Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng), các Hội, Hiệp hội chăn nuôi, thú y, đại diện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, dược phẩm tại Việt Nam và các Tổ chức quốc tế, đối tác phát triển: Văn phòng FAO Việt Nam Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Đại sứ quán các nước Anh, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), Tổ chức FHI 360, Tổ chức PATH, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Cơ quan Giảm thiểu đe dọa Quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA), Viện Đại học Sydney Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD), các trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên Đại học Dược Hà Nội; một số Bệnh viện tuyến trung ương, Bệnh viện trong hệ thống giám sát kháng thuốc ngành y tế.

Ảnh: Hội nghị ngày 14/01/2025
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, các tổ chức quốc tế và các đơn vị tham gia hội nghị báo cáo, chia sẻ về 4 chủ đề liên quan tới kháng kháng sinh trên thế giới và tại Việt Nam, gồm: Chủ đề 1: Chính sách toàn cầu và Việt Nam: Dữ liệu Kháng thuốc - một yếu tố thúc đẩy hợp tác toàn cầu; Chủ đề 2: Chuyển đổi giám sát kháng thuốc (AMR) với các nền tảng dữ liệu tích hợp; Chủ đề 3: Sử dụng dữ liệu lớn và kết quả giải trình tự gen trong dự đoán giám sát kháng thuốc; Chủ đề 4: Sáng kiến và thực tiễn tốt nhất cho việc kiểm soát kháng thuốc bền vững.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vấn đề phòng chống kháng kháng sinh (kháng thuốc) là vấn đề chung của toàn cầu phải đối phó và giải quyết hiện nay. Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT… luôn quan tâm đến công tác phòng chống kháng kháng sinh (phòng chống kháng thuốc). Đến nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25-9-2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2025.
Theo Cục trưởng Cục Thú y, mặc dù chiến lược phòng, chống kháng thuốc đã được ban hành, đã có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, công tác phòng, chống kháng thuốc ở Việt Nam mới bắt đầu và còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận thẳng thắn và từng bước hoàn chỉnh kế hoạch để phối hợp thực hiện từ khâu quản lý sản xuất, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trong nuôi trồng thủy sản, chế biến và các khâu, các bước sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thú y cũng nhấn mạnh cần thiết của phối hợp đa ngành và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong triển khai Chiến lược về phòng, chống kháng thuốc trong thời gian tới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, kháng thuốc là 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các vi sinh vật kháng thuốc.
Hiện nay, trên thế giới, tình trạng sử sụng kháng sinh đối với động vật từ 4-5%, đối với người 38%. Trung bình hàng năm 1,27 triệu ca tử vong do kháng thuốc, nhưng chỉ dưới 1% liên quan đến thực phẩm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) trích dẫn theo 2 nghiên cứu gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng 42,2 tấn kháng sinh trong chăn nuôi gà và 981 tấn trong chăn nuôi lợn. Trong đó, có 55% trường hợp dùng khi vật nuôi có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường, 25% khi thay đổi thời tiết, còn lại do một số nguyên nhân khác.
Những kinh nghiệm từ các quốc gia, các chuyên gia quốc tế giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam thiết lập hệ thống dữ liệu về kháng thuốc, dữ liệu về sử dụng kháng sinh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong y tế và nông nghiệp; dữ liệu về tiêu thụ kháng sinh, từ đó có thể theo dõi, đánh giá và triển khai các bước can thiệp có hiệu quả nhất, từng bước kiểm soát tình hình kháng thuốc tại Việt Nam.
Phòng Kiểm dịch Kiểm soát giết mổ động vật,
Chi cục Chăn nuôi và Thú y.