HỖ TRỢ CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BỊ ẢNH HƯỞNG, THIỆT HẠI DO BÃO SỐ 3 SỚM KHÔI PHỤC, ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, tính đến 17 giờ ngày 30/9/2024, tổng số tiền thiệt hại (ước tính) do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố đối với lĩnh vực thủy sản là 1.299,49 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng là 6.289,57 ha. Tổng giá trị thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản ước tính 1.114,8 tỷ đồng.
Ngày 27/9/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã phối hợp với Cục Thủy Sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ trực tiếp cơ sở nuôi trồng thủy sản của Ông Vũ Bá Quang, lô 2 khu B, Tân Lập, phường Tân Thành, quận Dương Kinh để khôi phục, ổn định sản xuất. Cơ sở này nuôi đối tượng tôm thẻ chân trắng, có tổng diện tích 0,9ha, bị thiệt hại trên 4000kg tôm cỡ thương phẩm 30con/kg do bão số 3.

Các đồng chí Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng thăm hỏi, động viên cơ sở
Cục Thủy sản đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở với số lượng là 16 vạn tôm giống tôm thẻ chân trắng; 250 kg thức ăn và các loại hóa chất, chế phẩm sinh học.

Hoạt động hỗ trợ con giống, vật tư nuôi trồng thủy sản
tại cơ sở Ông Vũ Bá Quang
Trong thời gian tới để nhanh chóng ổn định tình hình khôi phục sản xuất thủy sản khắc phục hậu quả sau bão, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản cần thực hiện theo hướng dẫn các cơ quan chuyên môn; cụ thể như sau:
+ Tiếp tục tổ chức thu gom xử lý rác thải, chất thải, thuỷ sản chết còn sót lại do ảnh hưởng bởi bão số 3; không xả thải nước ao đầm chưa qua xử lý và xác thủy sản nuôi chết ra môi trường bên ngoài; đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản.
+ Thực hiện các biện pháp gia cố hệ thống ao nuôi, lồng bè, hệ thống cấp thoát nước, nạo vét cải tạo ao đầm; sử dụng hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước ao nuôi. Bổ sung đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu, dụng cụ cần thiết (lưới, đăng chắn, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền, hóa chất, chế phẩm sinh học, vitamin…) để ổn định sản xuất; sẵn sàng thả giống khi các điều kiện cho phép.
+ Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường chăm sóc đàn thủy sản thả nuôi, thực hiện các biện phòng trị bệnh và nâng cao sức đề kháng cho đàn thủy sản nuôi như bổ sung vitamin, khoáng chất, thức ăn bổ sung…; chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột với lượng 2-3 kg/100 m2 hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản (như TCCA, BKC, Chlorine…) theo đúng liều lượng, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phòng Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản