Hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tháng 11 năm 2024
Thực hiện Kế hoạch số 117/KH-SNN ngày 26/3/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2024; ngày 07 và 08 tháng 11, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Viện Tài nguyên và môi trường biển thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản tháng 11 năm 2024.
Hoạt động này góp phần kịp thời thông tin về chất lượng nước vùng nuôi và đưa ra những cảnh báo, đề xuất kỹ thuật giúp các địa phương chỉ đạo sản xuất và quản lý nuôi trồng thủy sản hiệu quả, giúp người nuôi chủ động trong việc quản lý chất lượng nước trong ao nuôi để sớm khôi phục, ổn định sản xuất, phục vụ nuôi trồng thủy sản vụ Đông trong năm.
1. Khu vực nuôi tôm nước lợ
Kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi tôm nước lợ tháng 11 cho thấy, chất lượng môi trường nước cấp tại các điểm được quan trắc thuộc các quận/huyện ở mức trung bình. Các thông số quan trắc về NH4+, NO2-, thuốc bảo vệ thực vật, mật độ vi khuẩn Vibrio spp đều nằm trong giới hạn cho phép (GHCP) cho nuôi tôm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13656:2023 (Nước nuôi trồng thủy sản - chất lượng nước nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và QCVN 10:2023/BTNMT (Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển)

Hoạt động quan trắc môi trường vùng nuôi tôm nước lợ tại huyện Tiên Lãng
Khu vực nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các quận/huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy và Dương Kinh có giá trị các thông số pH và hàm lượng ôxy hòa tan ở mức khá thấp so với giới hạn cho phép; giá trị thông số về độ mặn ở 3/9 điểm quan trắc vẫn ở mức khá thấp, chưa phù hợp cho nuôi tôm nước lợ. Có sự xuất hiện của 07 loài tảo độc Anabaena circinalis, Planktothrix agardhii, Pseudo-nitzschia, Anabaena bergii, Microcystis aeruginosa, Microcystis botrys, Microcystis wesenbergii (có khả năng sinh độc tố làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh) với mật độ tăng hơn nhiều so với lần quan trắc trước và có sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (gây bệnh hoại tử gan tụy AHPND trên tôm nuôi) với mật độ cao hơn lần quan trắc tháng 10; có 02 điểm quan trắc có hàm lượng kim loại nặng Hg vượt ngưỡng GHCP; vì vậy, cần đặc biệt theo dõi thời điểm lấy nước và chú ý các biện pháp xử lý phù hợp (sử dụng túi lọc; lắng lọc, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường…), ổn định pH, ôxy hòa tan và độ mặn trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm.
2. Khu vực nuôi cá nước ngọt
Nhìn chung chất lượng nước tai các khu vực quan trắc ở mức khá tốt. Trong đó: có 8/11 thông số quan trắc về nhiệt độ, độ đục, COD, NO2-, vi khuẩn Aeromonas spp và Streptococus spp (gây bệnh trên cá chép, cá rô phi), thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng có hàm lượng/giá trị nằm trong Giới hạn cho phép theo TCVN 13952:2024 (Nước nuôi trồng thủy sản - nước ngọt - Yêu cầu chất lượng) và QCVN 08:2023/BTNMT (Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt); các chỉ tiêu pH và ôxy hòa tan vẫn còn nhiều điểm quan trắc có hàm lượng nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép theo TCVN 13952:2024 và QCVN 08:2023/BTNMT.

Hoạt động quan trắc môi trường tại vùng nuôi cá nước ngọt huyện Kiến Thụy
Nguồn nước khu vực nuôi nước ngọt trên địa bàn huyện Kiến Thụy, huyện Thủy Nguyên vẫn có 03/11 thông số DO, pH và NH4+ có hàm lượng nằm ngoài khoảng GHCP theo TCVN 13952:2024; tất cả các điểm quan trắc đều có sự xuất hiện của vi khuẩn Aeromonas và Streptococcus (gây bệnh trên cá rô phi, cá chép,…) với mật độ ghi nhận được cao hơn so với lần quan trắc trước nhưng đều nằm trong GHCP theo TCVN 13952:2024; cần chú ý các biện pháp xử lý nước thích hợp để loại trừ mầm bệnh trước khi cấp vào hệ thống nuôi (sử dụng túi lọc; lắng lọc, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường…).
Trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường các vùng nuôi thủy sản tập trung tháng 11 năm 2024, các cơ sở cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tiếp tục theo dõi chất lượng nước cấp để lựa chọn thời gian lấy nước thích hợp và có các biện pháp xử lý phù hợp phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả.
- Tăng cường theo dõi và cập nhật diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra (thay đổi đột ngột thời tiết, xuất hiện các đợt rét…); tuân thủ các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn, khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản (Công văn số 06/SNN-TS ngày 02/01/2024 về hướng dẫn mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2024; Công văn số 775/TS-NTTS ngày 16/8/2024 về chủ động ứng phó mưa bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản; Công văn số 976/TS-NTTS ngày 02/10/2024 về việc đẩy nhanh các hoạt động ổn định, khôi phục sản xuất thủy sản sau bão số 3; Công văn số 1115/TS-NTTS ngày 05/11/2024 về việc tăng cường quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản chủ động ứng phó trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại) và các hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn tại địa phương.
Tin, bài: Phòng Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản