image banner
HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ TRONG ĐIỀU KIỆN THỜI TIẾT RÉT ĐẬM, RÉT HẠI

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, xu thế thời tiết các tháng mùa đông 2024 sẽ có nền nhiệt độ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm không nhiều và có khả năng sẽ rét hơn so với mùa đông 3 năm gần đây. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra thời tiết rét đậm, rét hại, bất lợi, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cần quan tâm, thực hiện các biện pháp sau:

- Chủ động theo dõi (qua hệ thống thông tin đại chúng, bản tin trên loa, đài phát thanh xã/phường/thị trấn…) diễn biến thời tiết, diễn biến môi trường, dịch bệnh, các hướng dẫn kỹ thuật… của các cơ quan chuyên môn tới các cơ sở nuôi trồng thủy sản để kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, phục vụ sản xuất an toàn, hiệu quả.

- Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên, nhiên vật liệu, dụng cụ cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn và phòng, tránh khắc phục hậu quả khi có tình huống xấu xảy ra.

- Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá chuối, cá rô đồng, ếch, baba, cá vược, cá chim vây vàng…, chỉ đạo, tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra thiệt hại thủy sản nuôi bị chết do rét.

- Đối với đàn cá nuôi lưu giữ qua đông nên chọn tại những ao đáp ứng điều kiện ở nơi khuất gió, có cây cối hoặc nhà che chắn. Nếu ao ở hướng gió thì nên đào ao sâu ở hướng Bắc để làm nơi cho cá trú ngụ trong mùa rét; có nhà bạt phục vụ lưu giữ qua đông.

- Chăm sóc, quản lý ao nuôi:

+ Luôn luôn giữ mực nước tối thiểu từ 1,5 - 2,0 m. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao được ngăn lại tránh tản đều khắp ao hoặc trồng chuối theo hàng về phía Bắc, che chắn bằng vật liệu thích hợp để chắn gió.

+ Làm sọt tránh rét: Tạo một góc ao sâu về phía Bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Sau 10 - 15 ngày thấy rơm rạ đã bị phân hủy thì vớt lên tránh gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.

+ Đối với những ao nuôi có diện tích nhỏ, bể nuôi lưu giữ cá thì làm giàn trên mặt ao, bể và che phủ bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ.

+ Giữ môi trường nước trong ao ổn định đảm bảo yêu cầu kỹ thuật: độ sâu, pH, hàm lượng oxy, màu nước…; những ngày mù trời, lặng gió cần tăng cường quạt nước, sục khí, sử dụng viên bổ sung oxy để tránh thiếu oxy và hiện tượng phân tầng nước.

+ Khi nhiệt độ từ 140C trở lên, tranh thủ cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, bổ sung thêm vitamin C, B.complex vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá với lượng dùng từ 3 - 5g/kg thức ăn. Với thức ăn công nghiệp nên chọn loại cám có hàm lượng đạm cao từ 28% trở lên để giúp cá hồi phục sức khỏe sau thời gian chống rét. Khi nhiệt độ nước xuống dưới 180C, nên giảm 1/2 lượng thức ăn cho cá ăn. Khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 140C cần ngừng cho cá ăn.

+ Định kỳ 2 lần/tháng sát khuẩn môi trường nước bằng nước vôi trong té (tạt) xuống ao với hàm lượng 1 - 2 kg/100m2 hoặc các sản phẩm khác theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

+ Khi thấy nước ao bị ô nhiễm, nên sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường làm sạch nước cho ao nuôi như EM, BKC, VICATO…

+ Trong suốt thời gian rét đậm, rét hại, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện thu tỉa để bắt cá, tránh cá bị xây sát dẫn đến bị nhiễm bệnh các bệnh như đốm đỏ, lở loét da do nấm, trùng quả dưa, ký sinh trùng… gây ra.

+ Tuyệt đối không sử dụng các loại phân gia súc, gia cầm tươi bón trực tiếp xuống ao, đây là con đường truyền nhiễm bệnh giun sán, liên cầu khuẩn… và là ký chủ trung gian ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; trường hợp ao đầm có thủy sản nuôi bị chết không rõ nguyên nhân phải thu gom tập trung, xử lý, không đưa thủy sản chết, thải nước ao đầm chưa xử lý‎ ra môi trường ngoài và báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.

+ Dọn sạch cỏ, rác trong ao và thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có hướng xử lý kịp thời khi có thay đổi bất thường xảy ra.

- Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chủ động sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, chuẩn bị các điều kiện cần thiết; theo dõi, chăm sóc đàn bố mẹ để chủ động sinh sản, cung ứng nguồn giống thủy sản phục vụ sản xuất các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025.

                                  Phòng Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản

 

btvsonn
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0