Hình 2: Triệu chứng bệnh trên lá và ruộng dưa bị nấm đất gây bệnh héo vàng
Trước thực tế sản xuất và mục tiêu phát triển nông nghiệp cây dưa là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, theo định hướng vùng sản xuất hàng hóa tập trung của Hải Phòng. Vì vậy, để đảm bảo năng suất, chất lượng quả dưa, bảo vệ và nâng thu nhập cho người sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh thối quả dưa do vi khuẩn Erwinia carotovora và nấm có nguồn gốc trong đất Fusarium oxysporum và Fusarium solani trên cây dưa như sau:
1. Đối với những vùng trồng dưa đã bị bệnh
- Đến nay, diện tích dưa bị bệnh thối quả do vi khuẩn Erwinia carotovora tại xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo đã thu hoạch xong. Để hạn chế bệnh lây lan sang cây trồng vụ mới, địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng và dọn sạch cỏ dại đem tiêu hủy bằng cách phơi khô rồi đốt hoặc thug om bỏ ủ kín trong bể xi măng hoặc lót nilon kèm theo rắc vôi, lân và chế phẩm phân hủy để làm phân hữu cơ và hạn chế bào tử nấm bệnh không lây lan ra đất, nước trong vùng trồng.
- Tuyệt đối không vứt tàn dư cây trồng xuống mương, cừ, kênh,… dẫn nước tưới để tránh nguồn bệnh lây lan sang vùng khác.
- Tiến hành bón vôi với lượng 15- 20 kg/sào để cải tạo đất; phơi đất khử khuẩn hoặc ngâm dầm diệt nguồn bệnh để hạn chế khả năng tồn tại của bệnh trong đất, lây lan gây hại dưa các vụ sau.
- Trồng luân canh với cây trồng khác họ, không trồng dưa gối vụ ngay trên ruộng dưa đã bị bệnh.
2. Đối với những diện tích dưa trồng mới
Hiện nay, bệnh do vi khuẩn và nấm có nguồn gốc trong đất chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu; biện pháp hiệu quả nhất là áp dụng tổng hơp các biện pháp canh tác, phòng bệnh; đặc biệt tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bổ sung, tăng cường vi sinh vật có lợi trong đất; sử dụng thuốc hóa học là biện pháp cuối cùng để bảo vệ năng suất cây trồng. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp tổng hợp để quản lý bệnh hại dưa, cụ thể:
a. Vệ sinh đồng ruộng
- Thu dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật cây trồng vụ trước; thường xuyên thăm đồng kiểm tra sâu bệnh, loại bỏ các lá già, lá vàng, lá bị bệnh thu gom, tiêu hủy bằng cách phơi khô rồi đốt hoặc ủ làm phân hữu cơ.
- Không vứt cây bệnh, lá bệnh trên bờ ruộng, đường đi, gần nguồn nước, hoặc mương máng để tránh lây lan bệnh hại diện rộng.
b. Xử lý đất
- Bón vôi bột cải tạo và khử trùng đất trước khi trồng cây với lượng 15- 20 kg/sào khi làm đất (phơi ải hoặc ngâm dầm nếu thích hợp).
- Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma để hạn chế khả năng gây hại của một số loài nấm trong đất hại cây dưa.
c. Luân canh cây trồng
Luân canh cây dưa với các cây trồng khác họ, tốt nhất nên luân canh với cây trồng nước.
d. Quản lý nước
- Vùng trồng dưa nên có hệ thống tiêu thoát nước tốt, tránh để cây dưa bị ngập úng.
- Khi xuất hiện cây (quả, lá…) bị bệnh, nên tưới thấm, không sử dụng biện pháp tưới rãnh, tưới tràn hạn chế vi khuẩn lây lan qua nước tưới trên diện rộng.
e. Bón phân
- Bón phân đầy đủ theo yêu cầu của cây vào các giai đoạn sinh trưởng, bón cân đối NPK, hạn chế bón phân đơn.
- Tăng cường sử dụng phân ủ hoai mục, các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Tuyệt đối không sử dụng các loại phân chuồng, phân xanh chưa hoai mục để bón cho cây.
- Có thể ủ phân chuồng với chế phẩm nấm Trichoderma để bón lót trước khi trồng; tưới một trong các chế phẩm Trichoderma, TRICO-ĐHCT 108 bào tử/g, TricôĐHCT-Phytoph 108 bào tử/g WP, NLU-Tri, Biobus 1.00WP,… vào xung quanh gốc cây dưa để phòng bệnh nấm đất.
f. Biện pháp sử dụng thuốc BVTV
- Đối với bệnh do vi khuẩn: có thể sử dụng các loại thuốc phòng bệnh Kasumin 2SL, Kasai 21.2WP, Avalon 8WP, Oxycin 100WP, Bonny 4SL,…
- Đối với bệnh do nấm đất Fusarium oxysporum và Fusarium solani gây ra: Có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Propiconazole, Difenoconazole, Hexaconazole,… để phun phòng, chống.
Lưu ý: Pha, phun thuốc hoặc bón chế phẩm theo hướng dẫn trên vỏ bao bì, thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV bỏ vào bể quy định bảo vệ môi trường; theo dõi, phát hiện và phun phòng, chống bằng thuốc BVTV khi bệnh chớm xuất hiện.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, quận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thường xuyên thăm đồng, tăng cường công tác điều tra phát hiện sinh vật gây hại cây trồng các vùng sản xuất trồng trọt tập trung; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng hiệu quả; đặc biệt là quản lý bệnh hại dưa, hạn chế nguồn bệnh lây lan sang các vụ sau, bảo vệ sản xuất, nâng cao giá trị của cây dưa trên địa bàn./.
Tin, bài: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật