Tổng kết mô hình triển khai thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại trong sản xuất lúa chất lượng thực hiện chương trình IPHM
Theo thống kê, hàng năm diện tích lúa bị chuột gây hại khoảng trên 700 ha/ năm, trong đó diện tích nhiễm nặng và mất trắng ước khoảng 80 ha/ năm (số liệu bình quân từ 2019 - 2023). Chuột vẫn là mối lo ngại hàng đầu đối với sản xuất trồng trọt. Nhiều năm qua, để hạn chế chuột gây hại diện rộng, thành phố và các địa phương đã quan tâm hỗ trợ công tác diệt chuột ngay từ đầu vụ sản xuất, thành phố hỗ trợ kinh phí mua thuốc hóa học diệt chuột tập trung 1 lần/vụ sản xuất, các địa phương hỗ trợ mồi trộn thuốc và tổ chức công tác rải mồi bả, một số địa phương hỗ trợ thêm bẫy bán nguyệt để bắt chuột…
Vụ Xuân năm 2024, để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý chuột hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thực hiện 02 mô hình thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại trong sản xuất lúa chất lượng thực hiện chương trình IPHM, cụ thể:
- Mô hình triển khai thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại bằng thuốc diệt chuột Gimlet 0.2GB trong sản xuất lúa chất lượng tại xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng với diện tích 20 ha.
- Mô triển khai thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại bằng thuốc diệt chuột Antimice 0.006GB trong sản xuất lúa chất lượng tại thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão với diện tích 15 ha.
Hai mô hình được cán bộ kỹ thuật Chi cục và cán bộ của Công ty cung ứng thuốc (Công ty cổ phần đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI và Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường BK) tập huấn hướng dẫn kỹ thuật rải mồi bả, kỹ thuật sử dụng bẫy bán nguyệt bắt chuột và 5 dấu hiệu nhận biết nơi có chuột trú ngụ: Hang chuột, đường đi của chuột, phân chuột, vết cắn phá của chuột, vết chân của chuột để áp dụng các biện pháp diệt chuột đạt hiệu quả cao.
Cán bộ kỹ thuật đã tập huấn, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương trước khi rải mồi bả lần 01 tại khu vực thực hiện mô hình để mọi người nắm được tập tính gây hại của chuột, các biện pháp kỹ thuật phòng chống chuột, tác dụng của thuốc và phương pháp rải mồi an toàn, hiệu quả.
Ngày 04/6/2024- 06/6/2024 Chi cục tổ chức Hội nghị thăm quan, tổng kết Mô hình triển khai thí điểm các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại trong sản xuất lúa chất lượng tại xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng và thôn Kim Lĩnh, xã Chiến Thắng, huyện An Lão.
 |
Hình ảnh: Thăm quan đầu bờ mô hình tại xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng |
 |
Hình ảnh: Thăm quan đầu bờ mô hình tại xã Chiến Thắng, huyện An Lão |

Hình ảnh: Lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo địa phương và công ty thuốc ADI
trong hội nghị thăm quan, tổng kết mô hình tại Nam Hưng, Tiên Lãng
Kết quả mô hình tại Nam Hưng cho thấy: Sau 2 ngày rải mồi bả, chuột ăn bả với lượng ăn trung bình, sau 05 ngày lượng mồi bả đã giảm đáng kể, sau 07 ngày sau rải mồi chuột đã ăn hết số lượng mồi bả đã rải. Quan sát ngoài đồng ruộng, sau 05 ngày rải mồi bả, đã xuất hiện chuột chết ở trên hệ thống kênh mương, bờ cỏ,…sau từ 06 - 10 ngày rải mồi, đã có rất nhiều chuột bị ngộ độc thuốc chết trên rãnh nước, bờ cỏ và khu dân cư xung quanh khu vực triển khai mô hình.
Kết quả mô hình tại Chiến Thắng, An Lão cho thấy: Sau 2 ngày rải mồi bả, chuột bắt đầu ăn bả với lượng ít, sau 05 ngày lượng ăn tăng dần và sau 07 ngày sau rải mồi chuột đã ăn hết số lượng mồi bả đã rải. Quan sát ngoài đồng ruộng, sau 05 ngày rải mồi bả, đã xuất hiện chuột chết ở trên rãnh nước, bờ cỏ,…trên hệ thống kênh mương, bờ cỏ,…Sau 10 ngày rải mồi, có rất nhiều chuột chết trên rãnh nước, bờ bụi gần khu vực thực hiện mô hình.
 |  |
Hình ảnh: Rải mồi bả tại mô hình Chiến Thắng, An Lão |
 |  |
Hình ảnh: Chuột chết trong mô hình tại Chiến Thắng, An Lão |
Đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc diệt chuột Antimice 0.006GB và thuốc diệt chuột Gimlet 0.2GB dạng bả trộn sẵn tại 2 mô hình cho thấy: sau 2 ngày rải mồi, chuột ăn với lượng từ thấp- trung bình, sau 5 ngày chuột ăn bả tăng dần từ trung bình - cao. Quan sát ngoài đồng, sau 05 ngày xuất hiện chuột chết. Cả hai loại thuốc dùng trong mô hình đều là thuốc hóa học, dạng mồi bả trộn sẵn thuộc nhóm chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng, chuột ăn phải bả sẽ nhanh chống bị phá hủy nội tạng và chết sau 3 - 5 ngày.
 |
Hình ảnh: Hội nghị tổng kết mô hình tại xã Nam Hưng huyện Tiên Lãng |
 |
Hình ảnh: Hội nghị tổng kết mô hình tại xã Chiến Thắng huyện An Lão |
Đối với thuốc diệt chuột Gimlet 0.2GB khi rải thuốc ở giai đoạn lúa làm đòng (rải trực tiếp trong ruộng nơi có chuột cắn phá) cho thấy chuột vẫn ăn mồi bả, hiệu quả diệt chuột giai đoạn này vẫn cao, đây là ưu điểm vượt trội so với các loại thuốc diệt chuột cùng loại khác.
Ngoài sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột, mô hình kết hợp sử dụng biện pháp thủ công dùng bẫy bán nguyệt không dùng mồi được cải tiến từ bẫy bán nguyệt thông thường bán trên thị trường vào giai đoạn lúa đẻ nhánh - làm đòng (khi có dấu hiệu chuột cắn phá lúa trong ruộng), hiệu quả bắt chuột cao đạt 20-25% số bẫy thu được chuột.
 |  |
Hình ảnh: Bẫy bán nguyệt không dùng mồi và thu bẫy trong mô hình tại Chiến Thắng, Tiên Lãng |
Đến cuối vụ, lúa trong mô hình không bị chuột hại, năng suất lúa được giữ vững, năng suất ước đạt 69- 70 tạ/ha (những năm trước, khu vực triển khai mô hình bị chuột cắn phá và gây hại rất nặng, có khoảng 25 - 30% diện tích lúa bị thiệt hại từ 10% năng suất trở lên). Chi phí sử dụng thuốc hóa học kết hợp bẫy bán nguyệt trong mô hình khoảng 41.328 đồng- 46.000 đồng/ sào, tiết kiệm 10.500 đồng - 15.192 đồng/ sào so với ngoài mô hình.
Mô hình thí điểm triển khai các biện pháp quản lý tổng hợp chuột hại bằng thuốc diệt chuột Gimlet 0.2GB và Antimice 0.006GB trong sản xuất lúa chất lượng trong Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) cho thấy áp dụng biện pháp sử dụng thuốc hóa học dạng mồi bả trộn sẵn đạt hiệu quả cao, nông dân không phải pha trộn mồi bả bằng thuốc chuột hóa học, không quây nilon chống chuột trong khu vực triển khai mô hình (các vụ trước và ngoài mô hình nông dân quây 100% nilon để chống chuột), giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, bảo vệ được năng suất lúa bảo vệ môi trường - nói không với rác thải nhựa (nilon quây chuột).
Xác định được thời điểm tổ chức diệt chuột và diệt chuột cộng đồng có hiệu quả thiết thực, giảm tâm lý lo ngại chuột gây hại sản xuất trồng trọt của người dân, người dân tin tưởng và tiến bộ khoa học kỹ thuật và yên tâm sản xuất.
Mô hình được chính quyền địa phương và người dân đồng tình, ủng hộ thống nhất cao, mang lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và đặc biệt nông dân khu triển khai mô hình nhận thức được mối nguy hại của việc sử dụng điện để diệt chuột, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như các cấp, cơ quan ngành Nông nghiệp trong việc tổ chức diệt chuột cộng đồng theo Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ ruộng không canh tác. Mô hình cần được nhân rộng triển khai trong vụ Mùa và các vụ tiếp theo.
Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
.