Về việc tiếp tục đôn đốc, tập trung chỉ đạo, phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 và rầy hại bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024
Thời tiết Hải Phòng từ ngày 01/5/2024 đến nay, có mưa, nắng xen kẽ, thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, diện tích lúa đã trỗ ước khoảng 11.500 ha (42%DTGC); tuy nhiên, trời có mưa liên tục trong thời điểm phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 và các đối tượng sinh vật gây hại lúa đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả phun trừ sâu bệnh hại lúa vụ Xuân 2024.

Lãnh đạo và cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, hướng dẫn nông dân phun trừ sâu cuốn lá nhỏ và sinh vật gây hại lúa vụ Xuân 2024
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến ngày 06/5/2024 diện tích phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lần 1 ước đạt 100% diện tích cần phun trừ; diện tích đã được phun trừ lần 2 ước đạt 10% diện tích cần phun. Hiện nay qua kiểm tra mật độ sâu còn trên đồng ruộng phổ biến 60 - 80 con/m2, cao 150 - 200 con/m2, cá biệt 350 - 400 con/m2 (cao hơn nhiều lần so với ngưỡng cần phun trừ). Do mật độ sâu non lứa 2 trên đồng ruộng rất cao, nhiều nơi có mật độ sâu trước khi phun từ 500 - 1.000 con/m2 nên sau phun lần 1 mật độ sâu trên đồng ruộng vẫn còn cao (hàng trăm con/m2). Các xã hiện còn nhiều điểm có mật độ sâu cao hàng trăm con/m2: Thủy Triều, An Lư, Minh Tân, Kênh Giang, Hoa Động huyện Thủy Nguyên; Vĩnh Tiến, Tân Hưng, An Hòa huyện Vĩnh Bảo; Đại Thắng, Tiên Thanh, Toàn Thắng, Hùng Thắng, Vinh Quang huyện Tiên Lãng; Tân Viên, Chiến Thắng, Quang Trung, An Thắng, An Tiến huyện An Lão; Đại Bản, Quang Hưng, An Hoà huyện An Dương; Ngũ Phúc, Ngũ Đoan, Thụy Hương huyện Kiến Thụy; Đồng Hoà, Tràng Minh quận Kiến An…
Nông dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo, tiến hành phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 và các đối tượng sinh vật gây hại lúa vụ Xuân 2024
Thời gian tới sâu non tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại lúa Xuân, đặc biệt hại nặng các trà lúa trỗ từ 05/5/2024 trở đi nếu không tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt và hướng dẫn nông dân, các tổ chức, cá nhân sản xuất lúa phun trừ kịp thời, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật.
Hiện tại, mật độ sâu non trên đồng ruộng vẫn còn rất cao
Hiện nay, trên đồng ruộng đã xuất hiện nhiều ổ rầy có mật độ cao 2.000 - 4.000 con/m2, đặc biệt trên một số chân ruộng trũng, giống nhiễm rầy, diện tích nhiễm rầy khoảng 300 ha, mật độ và diện tích nhiễm rầy cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rầy lưng trắng chiếm tỷ lệ trên 60% quần thể rầy (rầy nâu, rầy lưng trắng) trên đồng ruộng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thu thập mẫu rầy rầy lưng trắng hại lúa gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc giám định virus lùn sọc đen. Kết quả có 42/560 (7,5%) cá thể rầy dương tính virus gây bệnh lùn sọc đen thu thập trên địa bàn các xã Thủy Sơn, Thiên Hương huyện Thủy Nguyên; xã Tiên Thắng, Quang Phục huyện Tiên Lãng; xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo; xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy; xã Quang Trung, Chiến Thắng huyện An Lão.
Trên đồng ruộng xuất hiện nhiều ổ rầy có mật độ cao 2.000 - 4.000 con/m2
và có mẫu rầy lưng trắng dương tính virus lùn sọc đen
Với thực trạng rầy gây hại lúa trên đồng ruộng hiện nay và kết quả giám định có 7,5% số các thể rầy dương tính với virrus lùn sọc đen, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ phát sinh, phát triển lây lan trên diện rộng trên lúa vụ Xuân và là nguồn bệnh gây hại đến sản xuất lúa vụ Mùa năm 2024 nếu không áp dụng đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng chống bệnh kịp thời, hiệu quả.
Để bảo vệ năng suất lúa vụ Xuân 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, quận; các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Sở và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra bám sát đồng ruộng, nắm bắt diễn biến sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy hại (rầy nâu , rầy lưng trắng); tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn nông dân, các tổ chức cá nhân sản xuất lúa tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 và rầy gây hại lúa, cụ thể:
(1). Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2
- Trên diện tích đã phun lần 1, kiểm tra và phun trừ lần 2 ngay sau khi phun trừ lần 1 từ 4 - 5 ngày nếu mật độ còn trên 20 con/m2, đặc biệt trên diện tích lúa còn non; thời gian phun trừ từ nay đến hết ngày 10/5/2024. Sử dụng thuốc có hiệu quả cao để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ theo Công điện số 01/CĐ-SNN ngày 26/4/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024.
(2). Đối với rầy hại
- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi diễn biến mật độ rầy trên những diện tích lúa ngậm sữa - chắc xanh - chín có mật độ rầy từ 1.500 con/m2 (40 - 50 con/khóm) trở lên để kịp thời phun trừ hiệu quả.
- Phun thuốc trừ rầy lưng trắng triệt để trên những diện tích lúa đã phát hiện rầy lưng trắng nhiễm (dương tính) virus lùn sọc đen.
+ Kiểm tra, phát hiện hiện những khóm lúa có triệu chứng nhiễm bệnh lùn sọc đen (khóm lúa/bông lúa thấp, lùn lụi; nghẹn đòng không trỗ thoát; đẻ nhánh trên thân, lá đòng bị gập, xoắn; các bông lúa trỗ có hạt bị đen, lép; lóng thân xuất hiện u sáp, mặt dưới lá, bẹ lá nổi rõ các nốt sần...) phải tiêu hủy (nhổ bỏ, vùi sâu) kịp thời để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng, tiến hành phun trừ rầy triệt để trên khu ruộng lúa bị nhiễm bệnh.
Có thể sử dụng một số loại thuốc để phun trừ rầy, cụ thể:
Đối với ruộng lúa giai đoạn làm đòng - chắc xanh, sử dụng thuốc có tác dụng nội hấp - lưu dẫn như Chess 500WG, Sutin 50WP, Cheestar 50WG, Chatot 600WG, Oshin 20WP...
Đối với những ruộng lúa giai đoạn chắc xanh - chín, sử dụng thuốc BVTV có có tác dụng tiếp xúc như Actara 25WG, Amira 25WG, Clodin 360WG, Vuachest 800WG, Acnipyram 50WP, Titan 600WG... Trước khi phun thuốc cần rẽ lúa thành băng, mỗi băng từ 4 - 6 hàng lúa, phun thuốc trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy cư trú.
Tiếp tục chỉ đạo phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm (nếp, TBR225, Đài Thơm 8, Thái Xuyên 111, P6...) trỗ đến trung tuần tháng 5/2024.
Ngoài ra, theo dõi và chủ động quản lý chuột hại, bệnh bạc lá; phòng trừ bệnh khô vằn và sâu đục thân 2 chấm hại lúa.
* Đề nghị các tổ chức cá nhân kinh doanh buôn bán, cung ứng thuốc và dịch vụ bảo vệ thực vật (dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái) hướng dẫn cộng (phối hợp) thuốc theo đúng đối tượng cần phun trừ tại các thời điểm chỉ đạo; không cộng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong một lần phun để tránh lãng phí, gây nhiễm môi trường; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc và theo hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Lưu ý: Giữ nước trong ruộng từ 3 - 4 cm để đảm bảo hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật; lựa chọn và luân phiên thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ khi phun kép lần 2; phun xong thuốc trong thời gian 3 - 4 giờ gặp trời mưa nhất thiết phải phun lại. Thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV bỏ vào bể quy định, bảo vệ môi trường.
* Đề nghị các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Đài Truyền thanh địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền về các đợt phòng trừ sinh vật gây hại lúa từ nay đến cuối vụ bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024./.
Bài và ảnh: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng