image banner
phòng trừ sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 đã vũ hóa rộ và đẻ trứng trên lúa Xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh; mật độ trưởng thành phổ biến 0,3 - 0,5 con/m2, cao 3 - 5 con/m2, cá biệt 15 - 20 con/m2. Hiện nay, trứng đang rộ và sâu non tuổi 1 bắt đầu nở; mật độ trứng trung bình 40 - 80 quả/m2, cao 150 - 200 quả/m2, cá biệt 300 - 400 quả/m2; mật độ sâu non phổ biến  20 - 40 con/m2, nơi cao 80 - 100 con/m2, cá biệt 160 - 200 con/m2. Mật độ trứng và sâu non cao (hàng trăm con, quả/m2) bắt gặp trên địa bàn các xã của huyện Kiến Thụy (Đại Đồng, Đại Hà, Tân Trào, Thụy Hương, Hữu Bằng, Ngũ Phúc, Đông Phương, Minh Tân), huyện Thủy Nguyên (Phục Lễ, Phả Lễ, Kênh Giang, Phù Ninh, An Sơn) và một số xã thuộc các huyện, quận như: xã Quang Phục, Toàn Thắng, Tiên Thắng, Vinh Quang huyện Tiên Lãng; xã Mỹ Đức, Tân Viên, Quang Trung huyện An Lão; xã Bắc Sơn, An Hồng huyện An Dương; xã Nhân Hòa, Vinh Quang huyện Vĩnh Bảo; phường Hợp Đức quận Đồ Sơn, phường Đa Phúc quận Dương Kinh.

Lãnh đạo và cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra

tình hình sâu cuốn lá nhỏ hại lúa vụ Xuân 2024 tại xã Quyết Tiến, Tiên Lãng

Bệnh đạo ôn xuất hiện, gây hại lá lúa từ trung tuần tháng 3/2024, trên các giống nhiễm (nếp các loại, BC15, TBR225, J02, Đài Thơm 8...). Đặc biệt, gây hại nặng trên giống nếp, tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 10%, cao 20% số lá, cá biệt xuất hiện ổ bệnh gây hại 50-70% số lá, tại xã Tam Đa, Hòa Bình, Hưng Nhân, Thắng Thủy, An Hòa, Nhân Hòa huyện Vĩnh Bảo; xã Quyết Tiến, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Toàn Thắng, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng; xã Du Lễ, Thuận Thiên, Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy; xã Quốc Tuấn, Mỹ Đức huyện An Lão. 

Hình ảnh vết bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa

Ngoài ra, Chuột đang gây hại rải rác trên đồng ruộng, tỷ lệ hại nơi cao 5- 10% số dảnh, diện tích nhiễm ước 08 ha; Rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh vi rút lùn sọc đen) đang nở và xuất hiện trên đồng ruộng, mật độ nơi cao 100 - 200 con/m2, cá biệt có ổ 700 - 1.000 con/m2 (xã Tân Trào, Đại Hà, huyện Kiến Thụy; xã Tiên Thắng huyện Tiên Lãng).

Hình ảnh ruộng lúa bị chuột gây hại

 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn thành phố Hải Phòng, trong những ngày tới, thời tiết ngày trời nắng, một số ngày có mưa rải rác (04-08/4/2024), nhiệt độ từ 24 - 300C, đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa Xuân phát sinh gây hại, đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở tập trung và bắt đầu gây hại từ đầu tháng 4/2024. 

Hình ảnh trứng kép và sâu non tuổi 1 sâu cuốn lá nhỏ

Để bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật gây hại gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, quận; phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế quận; các cơ quan liên quan tuyên truyền, tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, chỉ đạo hướng dẫn nông dân thực hiện các nội dung, cụ thể: 

- Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 1: 

Chỉ đạo nông dân phun trừ những diện tích có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên. Đối với những diện tích có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao (hàng trăm con/m2) cần phải kiểm tra và phun kép lần 2 (lần 2 cách lần 1: từ 4 - 5 ngày) hoặc lựa chọn các loại thuốc phun trừ có hiệu lực cao, hiệu lực kéo dài. 

Thời gian phun trừ từ ngày 02 - 05/4/2024 . Một số địa phương căn cứ tình hình phát sinh gây hại của sâu và sinh trưởng phát triển của lúa Xuân có thể phun sau lịch trên từ 2-3 ngày.

Thuốc phun trừ sâu cuốn lá nhỏ:

+ Thuốc BVTV sinh học: Tasieu 5WG, Radiant 60SC, Dylan 10WG, Divasusa 126WG, Aremec 45EC, Emaben 3.6WG, Proclaim 5WG, Acprodi 75WG, Sieufatoc 36EC, TT-Anonin 1EC, Reasgant 5WG, Angun 5WG... 

+ Thuốc BVTV hóa học: Incipio 200SC, Chlorin 10SC, Clever 150SC, Vitasuper 250 EC, Voliam targo 063SC, Sunset 300WG, Takumi 20SC, Ammate 150EC... 

Đối với diện tích có mật độ sâu cao (hàng trăm con/m2) nên sử dụng thuốc hóa học để phun trừ đảm bảo hiệu quả. Luân phiên (thay đổi) thuốc giữa các lần phun (phun kép) để hạn chế tính kháng thuốc của sâu hại.

- Đối với bệnh đạo ôn lá

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng phát triển của lúa để chỉ đạo nông dân phun trừ bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm bệnh như: nếp, TBR 225, BC15, J02, Đài Thơm 8, ..., quan tâm diện tích lúa đã xuất hiện vết bệnh gây hại, tiến hành vơ bỏ lá bị bệnh thu gom vùi sâu trước khi phun thuốc; dừng bón, không bón đạm urê trên diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh; giữ nước trong ruộng lúa bị bệnh đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi.

Sử dụng một số loại thuốc phun phòng trừ bệnh đạo ôn: Amistar top 325SC, Filia 525SE, Bump 650WP, Bamy 75WP, Lazerusa 450SC, Vatino super 500WWP, Kasai-S 92SC, Bump gold 40WP, Bankan 600WP, Ninja 35EC, Fuji-One 40EC, Kasoto 200 SC, Fu-Army 30WG...

 - Tiếp tục chỉ đạo công tác diệt chuột thường xuyên, bằng các biện pháp tổng hợp, diệt chuột cộng đồng, hạn chế chuột phát sinh gây hại; tăng cường củng cố các tổ, đội diệt chuột, mở rộng hình thức ký hợp đồng diệt chuột với các tổ chức, cá nhân có dịch vụ đánh bắt chuột; hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc diệt chuột đảm bảo an toàn,hiệu quả, đúng quy định; tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột dưới mọi hình thức. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình gây hại của rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) kiểm soát bệnh lùn sọc đen và phun trừ kịp thời các ổ rầy có mật độ cao bảo vệ sản xuất.

Lưu ýPha và phun thuốc theo hướng dẫn trên bao vỏ bao gói thuốc; thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ vào bể quy định đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau khi phun thuốc gặp mưa (từ 3-4 h sau phun) phải phun lại để đảm bảo hiệu quả phun trừ.

2. Công ty THHH MTV khai thác công trình thủy lợi chủ động điều tiết nước, đảm bảo nước tưới trong các đợt chăm sóc lúa và phun phòng, trừ sâu bệnh cho cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi; chủ động phòng chống xâm nhập mặn, đảm bảo cấp đủ nước phục vụ sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra.   

3. Các cơ quan, đơn vị thuộc Sở NN&PTNT

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung Tâm Khuyến nông tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng (kể cả ngày nghỉ) theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sinh trưởng của cây lúa; chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời. Các tổ khuyến nông cộng đồng, cán bộ khuyến nông cơ sở phối hợp chặt chẽ với cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV trên địa bàn, tập huấn hướng dẫn nông dân khoanh vùng, nhận biết và phun trừ những diện tích có sâu, bệnh gây hại đến ngưỡng; hạn chế phun thuốc BVTV tràn lan, phun định kỳ, phun thuốc không đúng đối tượng, phun thuốc không trong danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam.

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ động chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thu bắt mẫu rầy lưng trắng trên đồng ruộng, phân tích giám định, làm cơ sở chỉ đạo quản lý bệnh lùn sọc đen bảo vệ sản xuất lúa năm 2024. 

- Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn (các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, đảm bảo chất lượng thuốc bảo vệ thực vật phục vụ công tác phòng trừ sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024. 

4. Cơ quan truyền thông:

Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Đài Truyền thanh địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại lúa Vụ Xuân, bảo vệ sản xuất để nông dân biết, thực hiện hiệu quả./.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng

 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0