image banner
Phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông năm 2023

Thời gian qua, thời tiết hanh khô, không mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ, thuận lợi cho công tác làm đất, phơi ải và trồng cây vụ Đông. Đến nay, diện tích trồng cây vụ Đông đã trồng ước 4.470 ha (đạt 52,6% KH), thấp hơn 7,9% so cùng kỳ năm trước.

Một số nhóm cây trồng chính gồm: rau họ hoa thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ, cải các loại…) giai đoạn sinh trưởng từ mới trồng- thu hoạch: 453 ha; nhóm cây hành tỏi, đang ở giai đoạn phát triển thân lá- phát triển củ: 357 ha; khoai tây giai đoạn nhú mầm- phát triển thân lá: 245 ha; dưa các loại giai đoạn mới trồng- thu hoạch: 221 ha; ớt giai đoạn phát triển thân lá- ra hoa- quả: 262,5 ha; bầu bí, mướp, su su: 218 ha…

Kết quả kiểm tra đồng ruộng, hiện nay đang xuất hiện một số đối tượng sinh vật gây hại chính trên một số cây trồng vụ Đông như sau:

1. Cây ngô:

- Sâu keo mùa thu, sâu đục thân gây hại trên diện tích ngô giai đoạn phát triển thân lá, tỷ lệ hại phổ biến 1- 3%, nơi cao 5- 7%, cục bộ 20- 25% số cây (xã Thắng Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh An huyện Vĩnh Bảo; xã Vinh Quang, Tiên Cường, Tự Cường huyện Tiên Lãng; xã Phả Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng huyện Thủy Nguyên).

- Bệnh đốm lá phát sinh gây hại cây ngô giai đoạn phát triển thân lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 3- 5%, nơi cao 10- 15%, cục bộ 30- 35% số lá (xã Thắng Thủy, Vĩnh An, Hiệp Hòa huyện Vĩnh Bảo; xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng).

- Bệnh gỉ sắt gây hại trên ngô giai đoạn từ 6- 7 lá đến trỗ cờ, phun râu, tỷ lệ bệnh phổ biến 5- 7%, cao 10- 15%, cục bộ 30% số lá (xã Minh Tân, Phả Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng huyện Thủy Nguyên).

Anh-tin-bai

Hình 1: Sâu khoang hại ngô

Anh-tin-bai

Hình 2: Sâu keo mùa thu hại ngô

 

 

 

 

 

2. Cây rau họ hoa thập tự:

- Sâu xanh bướm trắng xuất hiện gây hại, mật độ phổ biến 3- 5 con/m­­2; cao 10- 15 con/m­­2; cục bộ 20 con/m2 (xã Hồng Phong, An Hòa huyện An Dương; xã Đông Hưng, Vinh Quang, Khởi Nghĩa huyện Tiên Lãng; xã Thắng Thủy, Việt Tiến huyện Vĩnh Bảo).

- Sâu tơ gây hại mật độ phổ biến 3- 5 con/m­­2; nơi cao 10 con/m­­2; cục bộ 25- 30 con/m­­2 (xã Đông Hưng, Tiên Thắng, Vinh Quang huyện Tiên Lãng; xã Thiên Hương, Phục Lễ, Tam Hưng, Kiền Bái huyệnThủy Nguyên).

- Bọ nhảy gây hại mật độ phổ biến 7- 10 con/m­­2; cao 20- 25 con/m­­2; cục bộ 40 con/m­­2 (xã Thiên Hương, Phục Lễ, Tam Hưng, Kiền Bái, Lưu Kiếm, Hòa Bình huyện Thủy Nguyên; xã Đông Hưng, Tiên Thắng, Vinh Quang huyện Tiên Lãng).

- Bệnh thối thân gây chết cây (do nấm và vi khuẩn), tỷ lệ bệnh phổ biến 3- 4%; cao 7- 10%; cục bộ 30 % (xã Thắng Thủy - huyện Vĩnh Bảo).

Anh-tin-bai

Hình 3: Sâu xanh bướm trắng

Anh-tin-bai

Hình 4: Bệnh thối thân do chết cây

3. Cây hành tỏi

- Bệnh khô đầu lá hành: phát sinh gây hại giai đoạn phát triển thân lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 5- 7% lá, cao 10- 20% lá, cục bộ 45- 50% lá (xã Hùng Thắng, Đông Hưng, Vinh Quang huyện Tiên Lãng; xã Minh Tân, Phục Lễ, Ngũ Lão huyện Thủy Nguyên).

- Bệnh thối ướt (thối mềm) do vi khuẩn: phát sinh gây hại giai đoạn phát triển thân lá- phát triển củ, tỷ lệ bệnh phổ biến 1- 3% cây, cao 10- 15% cây, cục bộ 20- 25% cây (xã Hùng Thắng, Đông Hưng, Vinh Quang- huyện Tiên Lãng).

Anh-tin-bai

Hình 5: Bệnh thối củ hành

Anh-tin-bai

Hình 6: Bệnh khô đầu lá hành

4. Cây họ bầu bí (dưa chuột, bầu, bí, su su…)

- Bọ trĩ, bọ phấn: gây hại trên dưa giai đoạn ra hoa- phát triển quả, tỷ lệ hại phổ biến 2- 5% cây, cao 10- 12 % cây, cục bộ 25- 30% số cây (xã Tam Hưng, Minh Tân - huyện Thủy Nguyên; xã Tiên Thanh, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng; xã Kỳ Sơn, Ngũ Lão, Thủy Triều, Minh Tân huyện Thủy Nguyên).

- Bệnh giả sương mai, bệnh phấn trắng: phát sinh, gây hại giai đoạn ra hoa - phát triển quả với tỷ lệ bệnh phổ biến 2- 3% số lá (cây); cao 7- 10% số lá (cây); cục bộ 20- 25% số lá (cây) (xã Đồng Thái huyện An Dương; xã Tiên Thanh, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng).

- Bệnh khảm lá virus: phát sinh, gây hại giai đoạn ra hoa - phát triển quả, tỷ lệ bệnh phổ biến 1- 3% cây, cao 7- 10% cây, cục bộ 25- 30% số cây (xã Tiên Thanh, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng).

Anh-tin-bai

Hình 7: Bệnh phấn trắng gây hại trên cây dưa gang

 

5. Cây cà chua:

- Dòi đục lá: phát sinh gây hại giai đoạn ra hoa- quả non với tỷ lệ hại phổ biến 2- 3%, cao 7- 10%, cục bộ 25- 30% số lá (xã Thiên Hương, Hòa Bình huyện Thủy Nguyên; xã Tiên Thanh, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng; xã Đồng Thái, Hồng Thái huyện An Dương).

- Bọ trĩ: phát sinh gây hại với tỷ lệ hại phổ biến 2- 3% cây; cao 8- 10% cây; cục bộ 30- 35% cây; Bệnh lở cổ rễ: tỷ lệ bệnh phổ biến 2- 3% cây, cao 7- 10% cây, cục bộ 15- 20% cây (xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Quyết Tiến- huyện Tiên Lãng).

- Bệnh héo xanh do vi khuẩn, tỷ lệ bệnh phổ biến 0,5- 1%; nơi cao 5- 7%, cục bộ 15% số cây (xã Vinh Quang, Hùng Thắng huyện Tiên Lãng; xã Thiên Hương, Hòa Bình, Phục Lễ huyện Thủy Nguyên; xã Đồng Thái huyện An Dương).

- Bệnh sương mai: tỷ lệ bệnh phổ biến rải rác, cao 5- 7% cây, cục bộ 15- 20% cây (xã Vinh Quang, Hùng Thắng huyện Tiên Lãng).

6. Cây ớt:

- Bệnh đốm lá: tỷ lệ bệnh phổ biến rải rác, cao 3- 5%, cục bộ 8- 10% (xã Thắng Thủy, Hiệp Hòa, Trung Lập huyện Vĩnh Bảo).

- Bệnh sương mai: gây hại giai đoạn ra hoa- quả non, tỷ lệ bệnh phổ biến rải rác, nơi cao 7- 10% cây, cục bộ 20- 25% cây (xã Kiến Thiết, Quyết Tiến, Cấp Tiến - huyện Tiên Lãng; xã An Hòa huyện An Dương).

- Nhện hại: tỷ lệ hại nơi cao 5- 7% cây, cục bộ 15- 20% cây (xã Thắng Thủy, Hiệp Hòa huyện Vĩnh Bảo; xã Kiến Thiết, Quyết Tiến huyện Tiên Lãng; xã An Hòa huyện An Dương).

- Bọ trĩ: tỷ lệ hại phổ biến 3- 5% cây; cao 10- 15% cây, cục bộ 25- 30% cây (xã Thắng Thủy, Hiệp Hòa, Trung Lập - huyện Vĩnh Bảo; xã Kiến Thiết, Quyết Tiến, Cấp Tiến huyện Tiên Lãng).

6. Cây đậu tương rau:

- Bệnh lở cổ rễ gây hại rải rác, tỷ lệ bệnh nơi cao 5- 7% số cây, cá biệt 15- 17% số cây (xã Thanh Lương huyện Vĩnh Bảo).

Ngoài ra, các đối tượng sinh vật gây hại khác trên rau màu như: bệnh héo rũ gốc mốc trắng, bệnh khảm lá virus, bệnh lở cổ rễ, nhện hại đang phát sinh gây hại trên cây họ cà (ớt, cà chua); Bệnh lở cổ rễ, dòi đục lá, bọ bầu vàng, sâu xanh 2 sọc trắng gây hại trên dưa lấy quả (dưa gang, dưa chuột); Sâu khoang, rệp, sâu vẽ bùa, sâu cuốn lá,... xuất hiện và gây hại rải rác trên cây rau... chuột gây hại cục bộ cây trồng vụ Đông.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đông Bắc, thời tiết Hải Phòng trong những ngày tới mây thay đổi đến ít mây, không mưa, đêm và sáng trời rét, có sương mù, ngày trời nắng hanh, gió Đông Bắc cấp 2– 3; đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sinh vật gây hại cho cây trồng vụ Đông phát sinh, phát triển, đặc biệt nhóm bệnh hại do nấm và vi khuẩn gây ra.

 Để hạn chế thiệt hại do sinh vật gây hại và bảo vệ sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, quận; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện; phòng Kinh tế các quận, các cơ quan đơn vị có liên quan chỉ đạo, tuyên truyền, tăng cường cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, cụ thể:

- Những vùng chuyên canh rau, thường xuyên bị sâu bệnh gây hại, nên luân canh cây trồng khác họ, tốt hơn khi luân canh với cây trồng nước.

- Trước khi trồng lứa rau, vụ rau mới phải thu dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước, lứa trước đem tiêu hủy; cày phá luống, đảo đất; cải tạo độ pH của đất; xử lý nấm bệnh trong đất, nhất là các vùng trồng rau bị bệnh gây hại nặng (cày phơi ải hoặc ngâm dầm, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma, bón vôi... để xử lý đất).

- Hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ trên diện tích trồng cây rau màu.

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng, phân chuồng ủ hoai mục để bón hạn chế việc dùng phân đơn bón cho cây trồng.

- Thăm đồng thường thường xuyên, quản lý sinh vật gây hại bằng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, ổ sâu non, lá bị bệnh đem tiêu hủy; đặt bẫy bả như: bẫy chua ngọt diệt trưởng thành sâu khoang, sâu keo, sâu xám; bẫy protein để diệt ruồi đục quả; bẫy dính màu vàng để diệt rầy, rệp, bọ phấn,....

- Khi mật độ sâu, bệnh đến ngưỡng phòng trừ tiến hành phun thuốc BVTV, chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được đăng ký sử dụng trên rau màu, trong đó ưu tiên lựa chọn các loại thuốc ít độc (thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học), thuốc thảo mộc, thuốc vi sinh; tăng cường luân phiên thuốc để hạn chế tính kháng thuốc của sâu bệnh; tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” khi pha, phun thuốc; sau khi phun, phải thu gom vỏ bao bì thuốc sau sử dụng bỏ đúng nơi quy định; chỉ thu hoạch nông sản khi đảm bảo thời gian cách ly của thuốc và phân bón.

- Đối với bệnh héo xanh vi khuẩn áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác, chăm sóc và BVTV: nhổ bỏ những cây bệnh thu gom và tiêu hủy (tuyệt đối không vứt xuống nguồn nước tưới), rắc vôi bột khử khuẩn tại gốc cây bị bệnh, sử dụng cây giống sạch bệnh, cây ghép gốc, giống chống chịu, bón phân cân đối N,P,K. Không tưới tràn, tưới rãnh khi trong ruộng đã xuất hiện bệnh và khử khuẩn dụng cụ khi bấm ngọn, tỉa cành để hạn chế lây lan cây bệnh sang cây khỏe. Có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV phòng, trị bệnh héo xanh vi khuẩn để phun vào gốc, tưới gốc.

- Đề nghị:

+ Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường kinh doanh, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo cho công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng an toàn hiệu quả.

+ Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo cán bộ, phối hợp với các địa phương bám sát đồng ruộng, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông đảm bảo an toàn, hiệu quả.

+ Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Đài Truyền thanh địa phương tăng cường thời lượng tuyên truyền kỹ thuật sản xuất và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng vụ Đông năm 2023 để nông dân biết, thực hiện hiệu quả./.

 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

 
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0