Thực hiện Chỉ thị số 498/CT-BNN-VP ngày 16/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Kế hoạch sản xuất số 703/KH-SNN ngày 06/12/2023 của Sở NN&PTNT về kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2024; căn cứ tình hình thời tiết và cây trồng trên địa bàn thành phố thời gian qua và báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: đến ngày 25/01/2024, diện tích mạ Xuân đã gieo 1.704,9ha (bằng 63,43% KH); Diện tích lúa đã cấy 220 ha (bằng 0,82% KH); cây rau màu vụ Xuân đã trồng 1.690,2 ha (đạt 20,61% KH), thấp hơn 683,8 ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích cây vụ Đông còn trên đồng ruộng 2.008 ha, tập trung tại các huyện: Tiên Lãng 1.027 ha, Vĩnh Bảo 350 ha, Thủy Nguyên 350 ha.
Kết quả điều tra phát hiện của Chi cục Trồng trọt và BVTV hiện nay, trên đồng ruộng có một số đối tượng sinh vật gây hại cây trồng chủ yếu như bệnh sương mai, giả sương mai…, cụ thể:
1. Trên cây khoai tây giai đoạn phát triển củ - thu hoạch
- Bệnh sương mai đang phát sinh phát triển, gây hại trên diện rộng, tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 8%, nơi cao 20 - 25%, cục bộ 60 - 70% số cây; bệnh xuất hiện tại các vùng sản xuất khoai tây tập trung tại các xã An Hòa, Tân Tiến, An Hưng, An Hồng huyện An Dương; xã Tiên Cường, Tự Cường, Tiên Thanh, Khởi Nghĩa, Quyết Tiến, Tiên Minh, Thị trấn huyện Tiên Lãng; xã Thụy Hương huyện Kiến Thụy.

Lãnh đạo và cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra khoai tây tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng |
- Bệnh héo xanh vi khuẩn: gây hại rải rác, nơi cao 5 - 7% số cây tại xã Thụy Hương, Kiến Thụy; xã Tiên Cường, Tự Cường, Tiên Thanh, Khởi Nghĩa, Quyết Tiến huyện Tiên Lãng.
- Bệnh héo vàng: Tỷ lệ bệnh phổ biến 2 - 3 %; nơi cao 10%; cá biệt 30% số cây. Bệnh héo xanh: Tỷ lệ bệnh phổ biến rải rác, nơi cao 5 - 7% số cây.
Ngoài ra, trên cây khoai tây xuất hiện rệp hại và hiện tượng nứt củ, sẹo củ, ghẻ củ.
2. Cây cà chua giai đoạn ra hoa - quả
- Bệnh sương mai: tỷ lệ bệnh phổ biến 5 - 7%, cao 10 - 15% số cây tại các xã Thiên Hương, Hòa Bình, Phục Lễ huyện Thủy Nguyên; xã Tiên Thanh, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng; xã Đồng Thái, Hồng Thái huyện An Dương; phường Bàng La quận Đồ Sơn.
- Dòi đục lá: phát sinh gây hại với tỷ lệ hại phổ biến 2 - 3%, cao 8 - 10%, cục bộ 25 - 30% số lá tại các xã Thiên Hương, Hòa Bình, Minh Tân, Phục Lễ huyện Thủy Nguyên; xã Tiên Thanh, Tiên Thắng huyện Tiên Lãng; phường Bàng La quận Đồ Sơn.
- Bọ trĩ: gây hại với tỷ lệ hại phổ biến 3 - 5%, cao 8 - 10%, cục bộ 30 - 35% số cây.
- Bệnh héo xanh vi khuẩn: gây hại rải rác, nơi cao 5 - 10% số cây, cục bộ 25-30% số cây tại xã Hồng Thái, Đồng Thái huyện An Dương.
3. Cây ớt giai đoạn ra hoa - quả - thu hoạch
- Bệnh đốm lá: tỷ lệ bệnh phổ biến 1 - 3%, nơi cao 8 - 10%, cục bộ 25 - 30% số lá.
- Bệnh khảm lá virus: tỷ lệ bệnh phổ biến 1 - 3%, nơi cao 5 - 7%, cục bộ 15% số cây tại xã Thắng Thủy, Hiệp Hòa, Việt Tiến, Trung Lập huyện Vĩnh Bảo.
- Bệnh thán thư: tỷ lệ bệnh rải rác, nơi cao 3 - 5%, cục bộ 8 - 12% số lá tại các xã Thắng Thủy, Hiệp Hòa, Việt Tiến, Trung Lập, Liên Am, Trấn Dương huyện Vĩnh Bảo; xã An Hòa huyện An Dương.
- Bệnh sương mai: tỷ lệ bệnh rải rác, cao 8 - 10%, cục bộ 20 - 25% số cây.
- Bọ trĩ: tỷ lệ hại phổ biến 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 25 - 30% cây.
4. Trên cây rau họ hoa thập tự (cải bắp, su hào, súp lơ, rau cải các loại)
- Sâu xanh bướm trắng gây hại mật độ phổ biến 1 - 3 con/m2, nơi cao 5 - 7 con/m2, cục bộ 10 - 15 con/m2 tại các xã Phục Lễ, Thiên Hương, Thủy Đường huyện Thủy Nguyên; Hùng Thắng, Tiên Thắng, Đông Hưng huyện Tiên Lãng; Thắng Thủy huyện Vĩnh Bảo; An Hòa, Hồng Phong huyện An Dương; Tân Dân huyện An Lão, xã Thụy Hương, Tú Sơn huyện Kiến Thụy.
- Bọ nhảy gây hại mật độ phổ biến 8 - 10 con/m2, cao 20 - 25 con/m2, cục bộ 35 - 40 con/m² tại xã An Hòa huyện An Dương; Tân Dân, An Thọ huyện An Lão.
- Bọ trĩ gây hại tỷ lệ hại phổ biến 8 - 10%, cao 15 - 20%, cục bộ 30 - 40% số cây.
Ngoài ra, một số đối tượng sinh vật khác gây hại trên rau màu như: Sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt trên ngô; bệnh giả sương mai, bệnh phấn trắng gây hại trên cây bầu, bí, su su; bệnh héo rũ gốc mốc trắng, bệnh đốm đen, bệnh lở cổ rễ, chết ẻo cây con, nhện hại gây hại trên cây ớt, cà chua; sâu xanh da láng, sương mai gây hại trên cây hành, tỏi...

Cây vụ đông năm 2024 tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy |
Thời gian qua, do thời tiết rét đậm - rét hại từ ngày 22/01 đến ngày 25/01 (04 ngày) đã làm ảnh hưởng đến một số diện tích mạ không được che phủ nilon (4,81 ha mạ bị ảnh hưởng táp đầu lá, vàng lá, chết chòm từng đám), một số diện tích mạ bị thiếu nước, khô hạn…

Mạ nếp xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng sinh trưởng kém do bón phân, thiếu nước (chiều 25/01/2024)

Nông dân chủ động che phủ và phòng chống rét cho mạ
Để bảo vệ sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2024 và hạn chế thiệt hại do sinh vật gây hại gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các cơ quan, đơn vị liên quan:
Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2024, tập trung chỉ đạo các địa phương và cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tuyên truyền hướng dẫn nông dân các biện pháp chỉ đạo sản xuất kịp thời hiệu quả:
1.1. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, chủ động triển khai kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2024; hướng dẫn nông dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tổ chức tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa để tránh rò rỉ, thất thoát, lãng phí nước; triển khai gieo cấy đúng thời vụ, cơ cấu giống theo chỉ đạo; không gieo, cấy khi nhiệt độ dưới 150C; triển khai công tác diệt chuột theo kế hoạch.
1.2. Chủ động chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ thực vật đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng phát triển thuận lợi.
1.2.1. Đối với cây mạ vụ Xuân
- Tiến hành phòng, chống rét cho mạ khi nhiệt độ xuống thấp dưới 150C.
- Thường xuyên thăm đồng, quản lý sâu đục thân bằng biện pháp thủ công ngắt ổ trứng, phun trừ bằng thuốc hóa học khi mật độ cao; phát hiện và phun trừ rầy lưng trắng trước khi nhổ cấy phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa đối với các vùng bị nhiễm bệnh vụ Mùa năm 2023; quản lý bệnh đạo ôn gây hại lá trên các giống nhiễm như: BC15-02, TBR 225, nếp...


Lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm tin truyền hình về việc kiểm tra sâu bệnh và công tác phòng chống rét cho mạ |
1.2.2. Đối với cây rau màu
- Khi mật độ sâu, bệnh gây hại đến ngưỡng tiến hành phòng trừ bằng thuốc BVTV, chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được đăng ký sử dụng, ưu tiên lựa chọn các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thuốc sinh học, thuốc thảo mộc... có thời gian cách ly ngắn, phân hủy nhanh an toàn nông sản và bảo vệ môi trường; tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc BVTV; thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào bể chứa theo quy định.
- Đối với bệnh héo xanh vi khuẩn áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác: sử dụng cây giống sạch bệnh, cây ghép gốc, giống chống chịu bệnh; nhổ bỏ thu gom những cây bệnh và đem tiêu hủy (tuyệt đối không vứt xuống nguồn nước tưới), rắc vôi bột khử khuẩn tại gốc cây bị bệnh; bón phân cân đối N,P,K, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ; khi trong ruộng đã xuất hiện cây bị bệnh không tưới tràn, tưới rãnh và khử khuẩn dụng cụ khi bấm ngọn, tỉa cành để hạn chế bệnh lây lan sang cây khỏe. Có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV phòng, trị bệnh héo xanh vi khuẩn để phun vào gốc, tưới gốc cây.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung Tâm Khuyến nông tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, bám sát đồng ruộng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sinh trưởng của cây trồng; chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời hiệu quả.
- Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
3. Cơ quan thông tin, truyền thông
Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh, Truyền thanh các địa phương tăng cường thời lượng đưa tin, bài tuyên truyền để nông dân biết thực hiện hiệu quả, đảm bảo kế hoạch./.
Bài và ảnh: Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Phòng