Kháng sinh đồ và hiệu quả trong việc hạn chế kháng thuốc kháng sinh
Hiện nay, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến việc kháng kháng sinh của đàn gia súc gia cầm đang ngày một gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị bệnh và sức đề kháng của con vật. Kháng sinh ngày càng mất dần tác dụng với vi khuẩn dẫn đến việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh đã, đang và sẽ đe dọa sức khỏe, sự phát triển toàn cầu. Đã đến lúc, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cần được nhìn nhận nghiêm túc, trách nhiệm, vì sự tồn vong của chính ngành chăn nuôi Việt Nam và toàn xã hội. Chính vì vậy, kỹ thuật kháng sinh đồ được coi là giải pháp hiệu quả để góp phần giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi tràn lan như hiện nay.
Kháng sinh đồ là gì?
Kháng sinh đồ là phương pháp nhằm xác định loại kháng sinh có nhạy cảm với vi khuẩn và mức độ nhạy cảm đối với từng loại kháng sinh là như thế nào. Bên cạnh đó, phương pháp này nghiên cứu sự đề kháng của vi khuẩn với thuốc.
Hình 1: Kháng sinh đồ.
Khi xác định được loại kháng sinh nhạy cảm và mức độ nhạy cảm đối với vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ thú y sẽ lựa chọn được kháng sinh phù hợp cho phác đồ điều trị bệnh động vật, tránh việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
Phương pháp Kháng sinh đồ được thực hiện trong trường hợp nào?
Phương pháp kháng sinh đồ được yêu cầu thực hiện trong các trường hợp sau:
- Khi vật nuôi bị nhiễm khuẩn do nguyên nhân vi khuẩn, đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả. Khi đó cần phải xác định lại mức độ tác dụng của thuốc đối với vi khuẩn để có thể thay đổi hoặc điều chỉnh phác đồ phù hợp.
- Những trường hợp vi khuẩn đã nhờn thuốc, cần phải kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc hoặc phải dùng kháng sinh mạnh hơn.
- Phương pháp này còn được ứng dụng trong việc nghiên cứu sự nhạy cảm của một loại kháng sinh mới đối với vi khuẩn.
Cách thực hiện phương pháp kháng sinh đồ
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, bác sĩ thú y sẽ yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm tại trí tổn thương và tiến hành nuôi cấy. Đó có thể là máu, nước tiểu, dịch mũi họng, đờm, dịch vết thương, mủ,...của bệnh súc để gửi mẫu đi xét nghiệm.
Các bệnh phẩm được nuôi cấy trên môi trường thích hợp nhằm kích thích sự phát triển của vi khuẩn. Sau đó bằng các kỹ thuật nhuộm soi, thử phản ứng sinh hóa, test định danh nhằm xác định được chủng loại vi khuẩn và tiến hành làm kháng sinh đồ đối với vi khuẩn đó.
Hình 2: Nuôi cấy để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh.
Hiện nay phương pháp sử dụng khoanh giấy kháng sinh (hay còn gọi là Kirby Bauer) là đơn giản và được sử dụng rộng rãi nhất. Phù hợp với nhiều quy mô các phòng xét nghiệm thông thường.
Hình 3: Dùng thước để đo đường kính vùng kháng sinh ức chế.
Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ tiến hành lựa chọn loại kháng sinh có độ nhạy cao với vi khuẩn để điều trị cho đàn gia súc, gia cầm mắc bệnh.
Vai trò, ý nghĩa của kháng sinh đồ
Kỹ thuật này giúp chúng ta chọn được loại kháng sinh phù hợp nhất cho bệnh súc về hiệu quả điều trị, phương thức sử dụng (uống, tiêm,…), hiệu quả kinh tế (lựa chọn loại kháng sinh còn tác dụng nhạy cảm với chi phí hợp lý nhất,…). Hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc một cách bừa bãi, tràn lan.
Vai trò của kháng sinh đồ đối với sức khỏe vật nuôi đó là đảm bảo phúc lợi động vật vì kháng sinh đồ giúp phòng và trị những căn bệnh do vi khuẩn gây ra đau đớn và tử vong cho vật nuôi; đảm bảo sự bền vững, giúp đảm bảo an toàn cho con người, vì vật nuôi khỏe mạnh là bước quan trọng đầu tiên để có nguồn thực phẩm an toàn hoặc những thú cưng an toàn.
Ngoài ra, phương pháp này còn giúp giám sát tình hình kháng sinh, từ đó có các chiến lược cụ thể nhằm hạn chế tình hình kháng thuốc của vi khuẩn trong chăn nuôi, giúp các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các kháng sinh mới/dạng thuốc mới ít đề kháng hơn.
Tại Hải Phòng có phòng xét nghiệm làm kháng sinh đồ không?
Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và điều trị bệnh động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã được Văn Phòng công nhận Năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng - AOSC công nhận năng lực phòng thử nghiệm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, Mã số: VLAT-0034, trong đó có đủ năng lực thực hiện kỹ thuật Kháng sinh đồ. Người chăn nuôi trên địa bàn thành phố có nhu cầu có thể gửi mẫu để thực hiện kháng sinh đồ, xác định kháng sinh mẫn cảm, nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi./.
Phòng Kiểm dịch Kiểm soát giết mổ động vật – Chi cục Chăn nuôi và Thú y