Kháng sinh là giải pháp hữu hiệu trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh phải đảm bảo đúng cách, đúng quy định, cần tránh việc lạm dụng kháng sinh, đặc biệt là sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh. Vậy trường hợp nào được sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh:
(Hình ảnh thức ăn chăn nuôi)
Luật Chăn nuôi năm 2020 quy định:
- Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non.
- Chính phủ quy định tiêu chí đối với các loại vật nuôi ở giai đoạn con non được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi.
Các xác định vật nuôi ở giai đoạn con non sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định 13/2020/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, cụ thể:
- Lợn con có khối lượng đến 25 kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi;
- Gà, vịt, ngan, chim cút từ 01 đến 21 ngày tuổi;
- Thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi;
- Bê, nghé từ sơ sinh đến 06 tháng tuổi.”
(Hình ảnh lợn giai đoạn con non, ST)
Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ
Đây là quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định 13/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi chỉ được áp dụng đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ. Các loại thức ăn khác với quy định này không được phép sử dụng kháng sinh.
(Hình ảnh gà giai đoạn con non, ST)
Như vậy, Lợn con, gà, vịt, ngan, chim cút, thỏ, bê, nghé ở độ tuổi và khối lượng như trên được sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh để phòng bệnh. Và chỉ được sử dụng đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ. Các đối tượng, lứa tuổi và loại thức ăn khác với quy định này không được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh để phòng bệnh.
Căn cứ các quy định trên, người chăn nuôi cần tìm hiểu, nắm được để áp dụng, sử dụng kháng sinh đúng cách trong chăn nuôi, góp phần hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi, vì một ngành chăn nuôi bền vững.
Phòng Kiểm dịch Kiểm soát giết mổ động vật– Chi cục Chăn nuôi và Thú y